Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để trung tâm kinh tế thực sự chuyển mình khi được trao cơ chế vượt trội

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – TPHCM được trao cơ chế vượt trội để thành phố tiếp tục giữ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt và liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo các đại biểu Quốc hội.

Những kỳ vọng từ chính sách mới

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Chính phủ trình Quốc hội trong phiên họp sáng 26-5. Với 7 nhóm chính sách – cơ chế, trong đó có 27 cơ chế đặc thù, dự thảo Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo khung khổ pháp lý và động lực cho sự phát triển đột phá của thành phố được coi là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

TPHCM tăng cường kiểm tra bến thuỷ hoạt động không phép. Ảnh: Minh Hoàng
TPHCM cần được chủ động triển khai các chính sách, biện pháp mà thành phố tin tưởng sẽ có hiệu quả để phát triển. Ảnh: Minh Hoàng

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết trong 27 chính sách – cơ chế đặc thù, có một số chính sách đáng chú ý.

Chẳng hạn, thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu ngân sách địa phương cho các dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án; được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng.

Những cơ chế – chính sách đặc thù này, theo ông Dũng, sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM. Đồng thời, tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đánh giá việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với TPHCM, mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Cũng theo đại diện Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá, như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD).

“Cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp”, đại diện cơ quan thẩm tra nhận định đề nghị nghiên cứu để có bước đột phá thực sự, tránh tình trạng nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống

Bên hành lang Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều ủng hộ Quốc hội sớm ban hành nghị quyết này nhằm giúp TPHCM có thêm động lực phát triển, từ đó đóng góp cho sự phát triển của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, muốn thực hiện được những cơ chế, chính sách mới trong dự thảo nghị quyết thì nguồn lực và cơ chế phải tập trung để giải quyết một số vấn đề cấp bách, quan trọng để thúc đẩy TPHCM phát triển.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), lưu ý các cơ quan quản lý chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết.

“Cách làm và xây dựng Nghị quyết phải khác đi, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn. Đồng thời đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống”, ông Hiếu nói.

Để đảm bảo tốc độ thực thi chính sách, ông Hiếu đề xuất nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”. Theo đó, nguồn lực và cơ chế phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách và quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển thành phố, thay vì dàn trải nguồn lực, dẫn tới năng lực hấp thụ cũng bị phân tán và các giải pháp chính sách trở nên không hiệu quả.

Các giải pháp phải hướng đến những ‘địa chỉ’ cụ thể, tránh nêu chung chung, chẳng hạn như xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào, thời gian dự kiến bao lâu, quy mô nguồn lực là bao nhiêu. Ngoài ra, nên có giải pháp mở rộng khai thác không gian mới và các vùng lân cận thay vì chỉ chỉnh trang không gian cũ”, ông Hiếu nói bên hành lang Quốc hội.

Còn ĐQBH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), đánh giá TPHCM là địa phương đặc biệt, với đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm. Do đó, lúc này rất cần một nơi thực sự năng động, có năng lực cụ thể hóa chủ trương này của Đảng.

“Hãy cho TPHCM được phép thực hiện cơ chế và chủ động triển khai các chính sách, biện pháp mà thành phố tin tưởng sẽ có hiệu quả, thúc đẩy tiềm năng riêng có của mình và chúng ta kiểm soát để bảo đảm việc triển khai thực hiện một cách minh bạch, công khai với trách nhiệm giải trình rõ ràng”, ông Cường nói và đề xuất xây dựng một khuôn khổ pháp lý để thành phố phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Cũng theo ông Cường, nếu TPHCM có cơ chế để đột phá hơn nữa, vượt ra khỏi những nội dung đang thảo luận thì có thể tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt hơn.

“Hiện các tỉnh thường đi xin làm cái này, cái kia. Chúng ta hãy cho họ một cơ chế để không cần xin nữa, một cơ chế mà họ có thể tự quyết, tự làm. Chẳng hạn, họ không cần xin được đầu tư theo hình thức BT mà thấy hình thức này hợp lý thì sẽ quyết định làm, thậm chí không phải BT mà là một hình thức nào đó phù hợp hơn”, ông Cường nói và kiến nghị cho phép TPHCM làm những điều mà luật chưa quy định, tương tự việc Quốc hội có Nghị quyết 30/2021 để quyết nghị các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 với nội dung giao Chính phủ toàn quyền tự quyết.

“Những gì đã có trong quy định thì Chính phủ được quyết. Những gì trái với quy định, Chính phủ chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm. Tuy nhiên, khi thực hiện, phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, giải trình”, ông Cường giải thích.

Về nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách, đại biểu Phan Đức Hiếu khuyến nghị các cơ quan quản lý và chính quyền thành phố hạn chế huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo đó, cần tránh lặp lại vấn đề thu phí và lệ phí khi đề xuất xây dựng BOT trên đường hiện hữu, thu phí nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp – khu chế xuất.

“Dù việc này có mục tiêu tốt nhưng nếu sử dụng quá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn sẽ có những phản ứng bất lợi”, ông Hiếu đánh giá.

Về cơ chế huy động nguồn lực con người, bên cạnh thu hút nhân tài mới thì cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn.

Về cơ chế ưu đãi đầu tư, ông Hiếu cho rằng phải thiết kế hết sức khoa học, tránh những cơ chế tương tự như các địa phương khác. Đồng thời tính đến những chính sách mới, như thuế tối thiểu toàn cầu và chuyển đổi xanh, nâng cao tính sáng tạo. ngoài ra, cần tính toán cơ chế bền vững, như chuyển giao công nghệ, đào tạo người lao động.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nông dân thì tui nhìn chuyện này không khó lắm! bởi vì TW chỉ cần định hướng nói rõ mục đích và mục tiêu phát triển; nghĩa vụ và trách nhiệm của SG – TPHCM gắn với hiệu suất, năng suất và hiệu quả phát triển bền vững và có đối sánh với các hệ quy chiếu khác nhau ở trong nước và quốc tế. TPHCM có toàn quyền quyết định về hệ thống, cấu trúc bộ máy và đội ngũ cán bộ, chế độ lương thưởng, phúc lợi khác; có toàn quyền lập quy không trái với quan điểm chủ trương của Đảng mà pháp luật chưa kịp đổi mới, thể chế, để đáp ứng cho việc phát triển của TTTC và cảng trung chuyển Cần Giờ. Bởi vận hành 2 cái này thì phải vận hành được đồng bộ các loại thị trường, mà vận hành đồng bộ các loại thị trường thì phải đổi mới thể chế, CCHC triệt để, đồng nghĩa là các nguồn lực địa phương, nguồn lực kinh doanh, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội sẽ được khơi thông. TPHCM có nguồn lực doanh nghiệp lớn, FDI nhiều, hiệp hội, các tổ chức cá nhân là nhân lực chất lượng có nhiều, có nhiều đơn vị sự nghiệp GD-ĐT, KH-CN, cơ quan truyền thông hàng đầu, có vốn đối ngoại địa phương, quốc tế rộng không khó để huy động giải quyết khó khăn trước mắt và kiến tạo tương lai lâu dài. Mục đích là xây dựng đô thị văn minh, đáng sống hoặc gọn hơn là TTTC + cảng trung chuyển thì đến năm 2025, 2030, 2035, 2040, sau 2045 các loại hạ tầng cứng, mềm phải thế nào, kinh tế, cơ cấu doanh nghiệp, thu nhập, chất lượng sống, vai trò của TP với sự phát triển của vùng liên kết, quốc gia, đối sánh với một số TP khác ở các nước có cùng trình độ hoặc cao hơn tại thời điểm này và tương lai thế nào….

  2. Gần đây chúng ta nghe nhiều về “cơ chế đặc thù dành cho TPHCM”. Thiết nghĩ không cần cơ chế đặc thù hay đặc biệt gì. Chỉ cần TW tạo cơ chế áp dụng cho TPHCM giữ lại phần thu ngân sách địa phương từ 21% hiện nay, là thấp nhất cả nước, lên 30% hay 32% như tỷ lệ Hà Nội được giữ lại, nghĩa là tăng phân nửa, để TPHCM có đủ nguồn lực tái đầu tư những điểm nghẽn hạn chế khả năng phát triển của TP có nền kinh tế, quy mô dân số lớn nhất cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới