Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để Việt Nam không thất thế trong ‘làn sóng’ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và sớm ban hành chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để bảo vệ quyền đánh thuế của mình là hai giải pháp giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro từ ‘làn sóng’ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, bắt đầu từ đầu năm 2024, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp.

Cuộc chạy đua với thời gian

Chỉ còn 9 tháng nữa là tới thời điểm hàng loạt quốc gia áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc – các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam.

Nếu các biện pháp ưu đãi đầu tư bị “vô hiệu hóa”, trong khi các quốc gia khác sẵn sàng có các biện pháp ưu đãi bổ sung, chẳng hạn bằng tiền, thì Việt Nam sẽ “hụt hơi” không chỉ trong cạnh tranh thu hút đầu tư mới, mà câu chuyện mở rộng đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí, nguy cơ dịch chuyển sản xuất sang nước khác cũng có khả năng xảy ra.

Nguy cơ này càng thể hiện rõ nét khi Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như một công cụ để thu hút đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT). Cụ thể, mức thuế suất phổ thông là 20% – cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng các cơ quan quản lý đáng áp dụng thuế suất ưu đãi theo các mức gồm 10%, 15% và 17% tùy lĩnh vực, ngành nghề, quy mô, địa bàn đầu tư, và thuế suất ưu đãi đặc biệt với các mức 5%, 7%, 9%.

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn những năm qua. Ảnh: TL

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Canon Việt Nam – một doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam, cho biết doanh nghiệp sẽ xem xét việc phân bổ sản xuất sang cứ điểm khác có lợi thế cạnh tranh nếu Việt Nam không có đối sách kịp thời trước việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Ví dụ được bà Huyền nhắc đến là Thái Lan, quốc gia sẽ hỗ trợ tiền điện cho nhà đầu tư nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

“Nếu Canon dịch chuyển sản xuất sang nước khác, không chỉ Canon Việt Nam bị ảnh hưởng, mà hơn 130 nhà sản xuất vệ tinh khác của Canon cũng bị ảnh hưởng”, bà Huyền nói tại một cuộc họp với Bộ KHĐT cách đây ít ngày.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, Chính phủ Hàn Quốc dự định áp dụng chính thức quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu từ tháng 1-2024. Nếu căn cứ vào những thay đổi gần đây về quy định của Chính phủ Hàn Quốc và những chính sách ưu đãi về thuế doanh nghiệp hiện đang được Chính phủ Việt Nam áp dụng, từ năm 2024, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm ở Việt Nam về Hàn Quốc do các quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

“Những nỗ lực về ưu đãi thuế mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ bị vô hiệu hóa”, ông Hong Sun nói.

Còn tại cuộc họp với Tổng cục Thuế ngày 28-3, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, trong trường hợp không có thay đổi về chính sách thuế tại Việt Nam.

Theo đó, Samsung sẽ phải nộp một số thuế bổ sung lớn về Hàn Quốc mỗi năm. Điều này dẫn tới hệ quả là năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm, đồng thời cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho chính sách thu hút FDI của Chính phủ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KHĐT, cho biết tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam là cấp bách, thể hiện trên hai khía cạnh gồm bảo đảm quyền đánh thuế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

“Vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu cũng vẫn phải nộp thuế bổ sung tại nước khác. Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để tương thích với thuế suất tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút và bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam”, bà Ngọc nói. Bà cho rằng Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế nếu không có phản ứng kịp thời hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Tiếp tục cải thiện chính sách “đón đại bàng”

Để ứng phó với tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) và nguyên tắc nộp bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia Trụ cột 2.

Còn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết cơ quan quản lý dự kiến áp dụng mức thuế tối thiểu 15% với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu – theo khung của OECD. Tiếp theo, ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam.

Về trung hạn, cơ quan thuế kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh chính sách thuế, các chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhấn mạnh quan điểm phải xác định thuế tối thiểu toàn cầu là cuộc chơi toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần sớm có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và ban hành những hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, tương tự một số quốc gia trong khu vực.

Cụ thể, Sách trắng 2022-2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện ghi nhận 70% ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có thể tăng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng cách giảm bớt các trở ngại về thủ tục hành chính, 53% doanh nghiệp đề nghị về cải thiện cơ sở hạ tầng, 35% đề xuất nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực, 47% kiến nghị về giảm rào cản thị thực cho chuyên gia nước ngoài.

Đáng lưu ý, vấn đề thị thực cho lao động nước ngoài từng được đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nhắc tới nhiều lần trong những năm qua. Gần đây, tại một phiên họp kỹ thuật, Nhóm công tác nguồn nhân lực thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, tổng thời gian để một công ty chuẩn bị tiếp nhận lao động nước ngoài trong giai đoạn trước đại dịch là 2-3 tháng, nhưng hiện thường mất 4-5 tháng. Theo đó, việc xin công văn chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài ngày càng trở nên phức tạp, nhất là tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Trước đại dịch, thường mất khoảng 1 tháng, nay có thể mất đến 3 tháng.

“Khoảng 90% nhu cầu lao động nước ngoài mới và gia hạn của các công ty tại TPHCM đang bị Sở Lao động Thương binh và Xã hội từ chối một cách có hệ thống ở giai đoạn đầu và có thể mất tới 3 tháng để có được. Sở cũng không đưa ra lời giải thích rõ ràng về những giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ. Trong khi công văn xin chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài không được phê duyệt, thì công ty cũng sẽ không thể nộp hồ sơ xin giấy phép lao động”, nhóm này cho biết.

Về chính sách thuế, ông Takeo Nakajima, Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội thuộc Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết một khảo sát của cơ quan này với các doanh nghiệp thành viên cho thấy 24% nhận xét môi trường đầu tư của Việt Nam có sức hấp dẫn về thuế. Tuy nhiên, 60-70% cho rằng việc thực hiện thủ tục về các chính sách thuế tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, tương tự một số quốc gia trong ASEAN.

“Điều mà các doanh nghiệp thực sự quan tâm là sự các vận dụng và đẩy nhanh tốc độ thực hiện các chính sách ưu đãi hiện hành”, ông Takeo Nakajima nói.

Cũng theo ông Takeo Nakajima, các số liệu thống kê cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng không chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ gia tăng thời gian tới. Do đó, Việt Nam nên tiếp tục áp dụng ưu đãi về thuế với nhóm doanh nghiệp này.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu mặc dù vốn đầu tư không nhiều song họ sử dụng những công nghệ tiên tiến. Việt Nam nên quan tâm đến nguồn vốn từ các doanh nghiệp này, vì họ sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam về công nghệ và nguồn nhân lực”, ông Takeo Nakajima cho biết.

Ông Yasuhisa Taninaka, Trưởng ban Thuế thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho biết một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn tới tổng chi phí thuế phải chi trả, thay vì riêng thuế TNDN. Vì vậy, ông  đề xuất các cơ quan quản lý giảm thuế suất luỹ tiến với thuế thu nhập cá nhân nhằm bù trừ cho thuế tối thiểu toàn cầu mà doanh nghiệp phải nộp thêm trong bối cảnh mức thuế này ở Việt Nam đang khá cao so với các quốc gia khác.

Về định hướng dài hạn, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng… vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì hướng tới ưu đãi về thuế.

Về vĩ mô, cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả. Trong đó chú trọng liều lượng và thời điểm cung tiền trong nền kinh tế nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả các mặt hàng Nhà nước quản lý, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng và đánh giá tác động chung đến chỉ số giá trong từng thời điểm để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu 4%.

Về môi trường kinh doanh, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế về đầu tư – kinh doanh theo hướng không ban hành thêm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng hoặc phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh tạo rào cản gia nhập thị trường.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ rà soát, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không còn phù hợp, hướng tới việc cắt giảm thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các bộ, ngành chậm trễ hoặc chống chế trong công tác xây dựng phương án và thực hiện cắt giảm.

Về lao động, cần thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ), tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp và nông nghiệp, góp phần tăng năng suất nội ngành và phân bổ lại nguồn lực từ khu vực NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao hơn; đổi mới mạnh mẽ giáo dục – đào tạo phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đã qua rồi cái thời thứ gì cũng thấy cần. Bây giờ là thời xem kỹ cái gì thật sự cần cho ta. Nên xem đây là cơ hội để tái cơ cấu FDI và nền kinh tế theo định hướng hiện đại và lành mạnh hơn. Những ngành nghề mà VN có thể thay thế toàn phần hoặc phần lớn thì không cần thiết phải đưa ra ưu đãi gây lãng phí nguồn lực. Chỉ những ngành nghề chủ chốt, cần tiếp thu nhanh vốn, công nghệ tốt nhất… thì cần nghiên cứu các chính sách hổ trợ đa dạng, có tính cạnh tranh cao. Đẩy mạnh chiến lược nâng cao tỷ trọng làm chủ kinh tế nội địa của ta càng nhiều càng tốt, có chính sách nâng đỡ các doanh nghiệp Việt vươn lên mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh tầm quốc tế. Năng lực doanh nghiệp Việt vẫn chưa được đánh thức đầy đủ. Nên xem đây là cơ hội, thử thách đáng tiền, chứ không có gì phải quá lo, hoặc đáng sợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới