Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất 3 phương án xây đường băng thứ 3 sân bay Nội Bài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất 3 phương án xây đường băng thứ 3 sân bay Nội Bài

Lê Anh

Đề xuất 3 phương án xây đường băng thứ 3 sân bay Nội Bài
Nếu có đường băng thứ 3, hai máy bay có thể cất và hạ cánh cùng một lúc tại sân bay Nội Bài – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ba phương án xây đường băng thứ 3 của sân bay Nội Bài. Các phương án đều phân tích kỹ ưu và nhược điểm để chọn được phương án tối ưu nhất.

Theo Cục Hàng không Việt Nam để đảm bảo công suất sau năm 2020 của sân bay Nội Bài đạt 50 triệu hành khách/năm thì cần phải xây dựng đường băng thứ 3 để hoạt động song song với 2 đường băng hiện hữu.

Hiện nay, sân bay Nội Bài có hai đường băng song song nhau nhưng chỉ cách nhau 250 mét nên máy bay không thể cất và hạ cánh cùng một thời điểm. Do vậy, Cục Hàng không đề xuất phải xây dựng đường băng thứ 3.

Sau khi khảo sát và nghiên cứu, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất ba phương án xây dựng, mỗi phương án có ưu nhược điểm đều được phân tích kỹ.

Cụ thể, phương án 1: xây dựng đường băng thứ 3 cách đường băng 1A 1.700 mét, cách đường 1B 1.950 mét. Khoảng cách này sẽ đảm bảo hai đường hoạt động song song độc lập là 1A với đường số 3 hoặc 1B với đường số 3.

Phương án này có ưu điểm là đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể sân bay Nội Bài đã được Chính phủ phê duyệt nhưng nhược điểm là kinh phí giải phóng mặt bằng quá lớn (gần 41.000 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư gần 76.000 tỉ đồng), ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Ngoài ra, với 50 triệu hành khách/năm, sẽ tạo áp lực giao thông rất lớn lên đường Võ Văn Kiệt.

Phương án 2: xây dựng đường băng thứ 3 về phía Bắc, còn khu vực nhà ga, sân đỗ tàu bay được xây dựng đồng bộ về phía Tây, cách đường 1B 1.035 mét. Khi đó, hai đường băng 1B và đường băng thứ 3 sẽ hoạt động song song độc lập, còn đường băng 1A chuyển thành đường lăn song song.

Bên cạnh đó, sẽ phải xây nhà ga hành khách (T3) ở phía Tây của sân bay với công suất dự kiến khoảng 20-25 triệu khách/năm.

Phương án 2 được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá là tốt nhất do kinh phí giải phóng mặt bằng thấp hơn  phương án 1, chỉ khoảng 11.000 tỉ đồng trên tổng kinh phí đầu tư 38.802 tỉ đồng. Khu vực giải phóng mặt bằng chủ yếu là khu vực đất quân sự và nông nghiệp, trong đó Bộ Quốc phòng đang có chủ trương di dời hoạt động bay huấn luyện ra khỏi sân bay Nội Bài.

Nhược điểm của phương án này là không phù hợp với quy hoạch, đường băng 1A không thể khai thác như một đường cất hạ cánh mà phải chuyển thành đường lăn song song. Tuy nhiên, với hai đường băng độc lập, Cục Hàng không Việt Nam tính toán vẫn đảm bảo công suất khai thác 50 triệu khách/năm.

Phương án 3, đường băng số 3 cách đường 1B 1.035 mét. Khi đó sẽ có 3 đường băng, trong đó có hai đường băng hoạt động song song độc lập là 1B với đường thứ 3. Đường 1A hoạt động song song phụ thuộc với hai đường còn lại. Khi đó, khu vực nhà ga hành khách sẽ được xây dựng ở vị trí tiếp giáp phía Bắc đường Võ Văn Kiệt.

Phương án này cũng có ưu điểm là kinh phí giải phóng mặt bằng thấp hơn phương án 1, chỉ 10.400 tỉ đồng trên tổng kinh phí xây dựng là 41.800 tỉ đồng, đảm bảo khai thác được cả ba đường băng.

Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với quy hoạch, gây áp lực giao thông lớn lên đường Võ Văn Kiệt. Ngoài ra, hệ thống nhà ga hành khách, các công trình phụ trợ bố trí phân tán, khó khăn trong việc kết nối giao thông cũng như không thuận tiện trong khai thác.

Sân bay Nội Bài, hiện nay có 2 đường băng song song, trong đó một đường băng dài 3.200 mét rộng 45 mét, một đường dài 3.800 mét rộng 45 mét.

Sân bay này đang có 36 hãng hàng không trong nước và quốc tế khai thác các đường bay, với bình quân 340 chuyến bay mỗi ngày. Năm 2014, lượng hành khách thông qua sân bay Nội Bài là 14 triệu lượt.

Mời đọc thêm:

>> Đóng cửa một đường băng sân bay Nội Bài 4 tháng để sửa chữa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới