Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất áp dụng trở lại phương thức BOT, BT với 6 dự án giao thông

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất áp dụng trở lại các hình thức đầu tư xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) và xây dựng – chuyển giao (BT) để huy động được mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đối với các dự án giao thông mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua thành phố Thủ Đức, Quốc lộ 1A đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An, Quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến đường Vành đai 3…

Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến thành phố Thủ Đức thường xuyên kẹt xe, tắc đường – Ảnh: TL

TTXVN đưa tin, tình hình giao thông cửa ngõ từ tỉnh Tiền Giang, Long An lên TPHCM theo hướng Quốc lộ 1A – cầu Bình Điền – cầu vượt Nguyễn Văn Linh luôn quá tải, kẹt xe. Tuyến Quốc lộ 50 đường nhỏ, lượng phương tiện từ miền Tây lên cũng quá lớn, ùn tắc thường xuyên. Trong khi đó, đoạn Quốc lộ 1A từ vòng xoay An Lạc giáp cầu vượt Võ Văn Kiệt đến giáp tỉnh Long An, phía đầu tỉnh Long An được nâng cấp mở rộng, phía TPHCM thì dự án vẫn nằm trên giấy.

Tương tự, Quốc lộ 13 qua tỉnh Bình Dương đã được mở rộng lên 8 làn xe, đoạn qua thành phố Thủ Đức vẫn nhỏ hẹp, ngày nào cũng ùn ứ giao thông, nhất là đoạn từ ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh về hướng cầu Bình Triệu, thành phố Thủ Đức vào giờ cao điểm.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, một số dự án giao thông của thành phố đã lên kế hoạch đầu tư nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai hoặc thi công dang dở. Như dự án mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước dài 5km đã được phê duyệt chủ trương từ hơn 20 năm trước với hình thức đầu tư BOT. Tuy nhiên, khi tìm được nguồn vốn để triển khai thì năm 2017 dự án lại phải dừng, chuyển sang vốn ngân sách và vẫn ngưng đến nay.

Sở Giao thông Vận tải đánh giá, việc mở rộng các tuyến đường cửa ngõ thành phố đang rất cấp bách và sở đã nhiều lần đề xuất ưu tiên ngân sách sớm để triển khai song chưa thể thực hiện. Việc triển khai các dự án theo hình thức BOT trong tình hình mới sẽ không làm thay đổi thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Cổng thông tin Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để huy động được mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng quốc lộ, đường kết nối liên vùng khơi thông các cửa ngõ thành phố với các địa phương, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tiếp tục đề xuất lên UBND thành phố xin áp dụng trở lại hình thức đầu tư xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) và xây dựng – chuyển giao (BT) cho 6 dự án, gồm:

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua thành phố Thủ Đức lên 40-60m, kinh phí ước tính gần 12.200 tỉ đồng; Quốc lộ 1A đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An, mở rộng lên 52m, tổng vốn gần 12.900 tỉ đồng. Quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến đường Vành đai 3, mở rộng lên gần 40m, xây 2 cầu vượt, kinh phí 1.200 tỉ đồng.

Xây hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông – Tây về phía Nam, nối ra đường Vành đai 3 dài 9,7km, tổng vốn 13.837 tỉ đồng. Mở rộng trục Bắc – Nam từ đường Âu Cơ – Khu công nghiệp Hiệp Phước dài gần 27km, làn đường lên 40-60m, tổng vốn 54.200 tỉ đồng. Đầu tư đường song hành Quốc lộ 50 dài 5,8km, rộng 40m, kinh phí hơn 3.800 tỉ đồng.

Sở cũng đề xuất cơ chế tăng phần vốn nhà nước tham gia dự án lên đến 70% (quy định hiện nay là 50%), vì ở nhiều dự án giao thông chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Cùng đó là đề xuất cơ chế thanh toán bằng tiền với hình thức BT để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia dự án.

Cũng theo TTXVN, trong giai đoạn 2005-2020, các hình thức BOT, BT đã từng thu hút sự tham gia tích cực từ các nhà đầu tư và TPHCM triển khai hiệu quả 22 dự án lớn với tổng vốn đầu tư 51.040 tỉ đồng.

Do đó, việc được áp dụng trở lại hình thức đầu tư dự án theo hợp đồng BT, thanh toán trả chậm cho nhà đầu tư bằng ngân sách thành phố có nhiều thuận lợi, phù hợp hơn so với việc triển khai các dự án giao thông của thành phố bằng các hình thức hợp đồng khác (BTL, BLT) và phương thức thanh toán hoàn vốn đầu tư cho nhà đầu tư bằng quỹ đất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới