Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất bỏ chính sách miễn học phí ngành sư phạm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất bỏ chính sách miễn học phí ngành sư phạm

Bảo Uyên

(TBKTSG Online) – Sau gần 20 năm miễn học phí cho sinh viên, các trường sư phạm cho rằng, chính sách này đến nay đã không còn mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục và cần xem xét để xoá bỏ ưu tiên này.

Đề xuất bỏ chính sách miễn học phí ngành sư phạm
Ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư Phạm TPHCM cho rằng, chính sách miễn học phí của ngành sư phạm đã không còn hấp dẫn với nhiều phụ huynh, học sinh- Ảnh: B.U

Miễn học phí, sư phạm có thu hút được người tài?

Tại cuộc hội thảo "Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên" do trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức hôm 13-12, nhiều giáo viên ở các trường sư phạm cho rằng chính sách miễn học phí không còn ảnh hưởng đến quyết định chọn nghề của đa số phụ huynh, học sinh.

Theo ông Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, chính sách này ra đời vào năm 1998 nhằm thu hút thí sinh thi vào ngành sư phạm, giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên lúc bấy giờ. Thời gian đầu thực hiện chính sách, nhiều học sinh khá giỏi đã “đầu quân” vào ngành này. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, học sinh đã không còn mặn mà với nghề giáo, mặt bằng tuyển sinh vào ngành sư phạm tương đối thấp. Với mức học phí bình quân của các trường khác  là 7-8 triệu đồng/năm, chính sách miễn học phí đã không còn hấp dẫn với nhiều phụ huynh, học sinh.

Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM, nói rằng khu vực nông thôn trước đây có nhiều học sinh theo ngành sư phạm nhưng hiện nay con số này giảm đáng kể.

Nguyên nhân khiến ngành sư phạm mất giá, theo nhiều giáo viên có mặt tại hội thảo là do mức lương của nhà giáo quá thấp so với các ngành nghề khác; chưa kể, sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó kiếm được việc làm đúng với ngành học. Dự báo đến năm 2020, cả nước dư khoảng 70.000 giáo viên.

“Phần học phí được giảm chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí một năm học của một sinh viên. Điều phụ huynh, học sinh quan tâm bây giờ là ra trường có việc làm, chính sách lương, đãi ngộ tốt”, ông Hồng nói.

Còn theo ông Thám, ngành giáo dục chỉ hưởng lợi khi chính sách này thu hút được người giỏi, chứ không phải là thu hút được đông sinh viên theo học. Dù sinh viên sư phạm được ưu tiên học phí nhưng các chính sách về lương, tuyển dụng thì còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, không ít giáo viên cũng cho rằng, lý do chọn nghề do ưu đãi học phí cũng sẽ ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên. Người học sẽ không cảm thấy “xót” tiền để nỗ lực học tập.

“Theo tìm hiểu sơ bộ của tôi, hơn 50% sinh viên đang học cho biết đã chọn nhầm ngành, có em thì do lúc đầu bị gia đình ép theo, có em thì do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải học ngành này. Các em không có niềm vui khi đến lớp, như cục đá vậy, thầy cô khen chê đều không có cảm xúc, làm người dạy cũng bị giảm nhiệt huyết theo”, ông Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM chia sẻ.

Trường chật vật vì miễn học phí cho sinh viên

Nằm trong nhóm các trường sư phạm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật  TPHCM hiện đang đào tạo 13 chương trình sư phạm. Ông Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường này cho hay, trong 10 năm qua, trường phải bù lỗ 30 tỉ đồng vào số tiền miễn học phí cho nhóm sinh viên này. Dù được miễn học phí nhưng những sinh viên này lại không phải chịu ràng buộc nào sau khi ra trường. Chỉ có 10% sinh viên công tác ở các cơ sở giáo dục, còn lại làm ở các doanh nghiệp tư nhân, sau khi tốt nghiệp.

“Mỗi năm chúng tôi chỉ được nhận từ 5-8 tỉ đồng tiền cấp bù sư phạm. Trường phải dùng tiền học phí của sinh viên ngành khác để “nuôi” sinh viên ngành sư phạm. Liệu có bất công quá không?”,ông Dũng đặt vấn đề.

Hiện Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quốc hội thu học phí sinh viên sư phạm như các ngành học khác. Nếu sinh viên nào ra trường làm đúng ngành sư phạm, trường sẽ chuyển số học phí mà sinh viên đã nộp về Sở Giáo dục và Đào tạo. Từ khoản quỹ này, sở sẽ chi trả thêm 3-4 triệu đồng/tháng cho những trường hợp này. Cùng với lương, số tiền "trả lại" này sẽ giúp các giáo viên mới ra trường ổn định cuôc sống trong những năm đầu.

Theo ông Thám, mức cấp bù sư phạm ở mức tối thiểu theo Nghị định 86 đối với ngành Khoa học tự nhiên là 8,7 triệu đồng/năm/ sinh viên, còn ngành Khoa học xã hội nhân văn là 7,5 triệu đồng/năm/ sinh viên. Thế nhưng, Vụ Kế hoạch Tài chính chỉ cấp bù cho các trường 80-90% vào đầu năm học. Số tiền còn lại phải chờ đến cuối năm nhưng thực tế trường cũng khó “đòi” đủ 100%.

Đại học Sư phạm TPHCM cũng cho biết, tiền cấp bù học phí hiện rất thấp so với số lượng hơn 10.000 sinh viên của trường. Trường này phải dùng 30% trong tổng ngân sách nhận được để lấp vào khoảng miễn học phí. Vì kinh tế eo hẹp nên trừơng buộc phải cắt giảm nhiều hoạt động thực hành cho sinh viên.

Đại diện trường này đề xuất, dựa vào nhu cầu của các trường công lập, nhà nước nên “đặt hàng” số lượng giáo viên cho các trường sư phạm và đảm bảo việc làm đầu ra cho sinh viên. Đồng thời, nhà nước cũng phải đảm bảo kinh phí cho các trường thực hiện công tác đào tạo. Những thí sinh trúng tuyển theo chương trình này sẽ được miễn học phí và có nghĩa vụ công tác trong hệ thống giáo dục công lập trong khoảng thời gian nhất định. Các trường hợp khác có nguyện vọng theo học sư phạm thì sẽ phải đóng học phí như những ngành khác.

Theo các trường, để tránh lãng phí, nhà nước chỉ nên miễn học phí cho những hoàn cảnh khó khăn và cần đầu tư nhiều hơn vào chính sách tín dụng cho sinh viên. Mặc khác, nếu xóa bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nhà nước cần phải có lộ trình và có sự điều chỉnh về điều kiện đãi ngộ, việc làm với nhà giáo.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới