Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất bỏ tù người say rượu điều khiển xe cộ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất bỏ tù người say rượu điều khiển xe cộ

Quang Chung

Đề xuất bỏ tù người say rượu điều khiển xe cộ
Kiểm tra nồng độ cồn người lái xe ở TPHCM – Ảnh: Phạm Thanh.

(TBKTSG Online) – Ngành giao thông vận tải vừa có đề xuất táo bạo: hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi say rượu, tức có thể bỏ tù những người say rượu điều khiển phương tiện giao thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất các cơ quan chức năng hình sự hóa một số hành vi trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện giao thông trong trạng thái say rượu.

Theo đề xuất này, hành vi lái xe trên đường mà trong cơ thể có nồng độ cồn trong máu vượt quá 100mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị quy vào tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Cụ thể, điều 204-4 Bộ luật Hình sự quy định: người “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Lập luận của Tổng cục Đường bộ [cho đề xuất này] là để tránh nguy hiểm cho xã hội. Vì Tổng cục cho biết, theo thống kê của các nhà chuyên môn, trên toàn quốc có tới 45% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân xuất phát từ lái xe có uống bia, rượu; hơn nữa, nhiều nước trên thế giới như Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc… đều xử lý hình sự hành vi điều khiển xe khi say xỉn.

Tuy nhiên, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, cho rằng đề xuất của Tổng cục Đường bộ không phù hợp với khoa học luật hình. Theo ông Kính, cần phân biệt giữa cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức. Những tội phạm được xây dựng có cấu thành tội phạm vật chất là những tội phạm mà riêng dấu hiệu hành vi chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm đó mà đòi hỏi phải có cả dấu hiệu gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. 

Điều 202 Bộ luật Hình sự đã có quy định về điều khiển vi phạm giao thông đường bộ; trong đó quy định phạt tù từ 3-10 năm đối với hành vi khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, cấu thành tội phạm vật chất là đặc trưng cơ bản của tội phạm này.

“Như vậy có nghĩa là tài xế chỉ bị xử lý về mặt hình sự khi để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, chứ không thể vì nồng độ cồn trong máu vượt quá 100mg/100ml, hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,5mg/1 lít mà đẩy người dân vào cảnh tù tội vì chai bia, chén rượu”, ông Kính nói.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Giám đốc Công ty luật hợp danh Phúc Đức, cũng cho rằng đề xuất của Tổng cục Đường bộ là cảm tính. Vì theo khoa học luật hình sự thì người say xỉn mà tham gia giao thông có thể sẽ xảy ra tai nạn, đó chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ để xử lý hình sự (vì thực tế người không say xỉn tham gia giao thông vẫn có thể có nguy cơ gây ra tai nạn).

Hơn nữa, đề xuất lấy nồng độ cồn trong máu và nồng độ cồn trong khí thở làm cơ sở để xử phạt hình sự là không ổn.

Theo ông Phúc, cơ địa của mỗi người khác nhau, có thể người này uống rượu bia nhiều, nồng độ cồn trong máu cao nhưng vẫn có thể điều khiển xe an toàn; còn người kia uống ít, nồng độ cồn trong máu thấp nhưng có thể điều khiển xe không an toàn. “Việc đo nồng độ cồn chỉ mang tính chất tương đối để xử phạt hành chính thì được”, ông Phúc nói.

Hơn nữa, theo ông Kính, nếu thấy thật sự cần thiết hình sự hóa hành vi này thì cũng phải xem xét cho thấu đáo vì người say xỉn điều khiển xe tải, khác xe khách, khác xe cá nhân và khác xa xe máy về mức độ thiệt hại khi xảy ra tai nạn. “Nếu có áp dụng thì phải nghiên cứu cụ thể nồng độ cồn vượt quá bao nhiêu sẽ khiến chủ thể mất kiểm soát, nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Hơn nữa cũng phải căn cứ vào số lần vi phạm đã bị xử phạt hành chính, đã có án tích về loại tội phạm này, không thể áp dụng hình phạt tù cho người vi phạm lần đầu”, ông Kính nói.

Nhưng thực ra, đề xuất của Tổng cục Đường bộ đi ngược lại với xu hướng sửa đổi của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, dự luật sửa đổi bộ luật này quy định các hình phạt đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (điều 261) đều có thể dùng tiền nộp thay cho việc ngồi tù.

Được biết, trước khi có đề xuất này Bộ Giao thông vận tải cũng từng có một đề xuất khác gây tranh cãi, đó là đề xuất tịch thu phương tiện giao thông của những người say xỉn (có nồng độ cồn trong người cao) điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Xem thêm:

Tranh cãi gay gắt tại tọa đàm về "tịch thu xe người say rượu"

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới