Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất cấm đấu thầu 3 năm nếu doanh nghiệp ‘xù’ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất cấm đấu thầu 3 năm nếu doanh nghiệp ‘xù’ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Bộ Tài Chính đề xuất cấm tham gia đấu thầu tối đa 3 năm đối với những doanh nghiệp nào đã “xù” hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Đây được xem là giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đã trúng thầu, nhưng không thực hiện hợp đồng như đã xảy ra hồi tháng 4 năm nay.

DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia muốn ‘xù’ hợp đồng

Vừa ‘xù’ hợp đồng dự trữ gạo, lại tiếp tục tham gia đấu thầu

Vừa 'xù' ký hợp đồng, lại trúng thầu gạo dự trữ quốc gia

Đề xuất cấm đấu thầu 3 năm nếu doanh nghiệp ‘xù’ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ
Chuyển gạo vô kho tại Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Bên cạnh đề xuất cấm doanh nghiệp tham gia đấu thầu tối đa ba năm, Bộ Tài Chính cũng đề xuất Chính phủ nâng mức trần đảm bảo dự thầu đối với các doanh nghiệp tham gia dự thầu.

Cụ thể, đối với các gói thầu thông thường, Bộ Tài Chính đề xuất nâng mức trần đảm bảo dự thầu lên 4-5% so với mức 3% như hiện nay; đối với gói thầu quy mô nhỏ, thì nâng mức trần đảm bảo dự thầu từ 1,5% lên 2 đến 3%. Còn đảm bảo thực hiện hợp đồng, được đề xuất nâng từ mức 3 lên 5% giá trị gói thầu.

Đề xuất mới của Bộ Tài Chính có liên quan đến vụ việc cung cấp gạo dự trữ bất thành hồi tháng 4 năm nay. 

Vào ngày 10-4-2020, khi tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết có rất nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và đã nhận thông báo kết quả trúng thầu, nhưng đã gửi văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng theo quy định.

Lý do doanh nghiệp không ký hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia vào thời điểm lúc bấy giờ được xác định do giá trúng thầu thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, cho nên, nếu thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp sẽ lỗ. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp chấp nhận phương án chịu “mất tiền cọc đảm bảo dự thầu”.

Bị xù hợp đồng, tất nhiên là không thể hoàn thành kế hoạch dự trữ gạo mà Chính phủ giao phó, Tổng cục dự trữ Nhà nước thuộc Bộ Tài Chính sau đó đã phải tổ chức đấu thầu lần hai để mua đủ số lượng gạo dự trữ quốc gia theo kế hoạch. Điều đáng nói là ở lần đấu thầu thứ hai này, các doanh nghiệp đã “xù” hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia ở lần thứ nhất cũng tham gia và đã trúng thầu.

Tóm lại, đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính là nhằm tránh tái diễn tình trạng doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng, tức tạo ra cơ chế mới ràng buộc doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng với các gói thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới