Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Đề xuất của Sở GTVT ngược với chiến lược phát triển ô tô”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Đề xuất của Sở GTVT ngược với chiến lược phát triển ô tô”

Hùng Lê

Một số hãng ô tô cho rằng, đề xuất của Sở GTVT TPHCM đang đi ngược với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ -Ảnh minh họa: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Không chính thức đưa ra phản ứng với đề xuất áp dụng các biện pháp hạn chế xe cá nhân của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, nhưng một số hãng ô tô cho rằng đề xuất này đi ngược với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ.

Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô được phê duyệt vào giữa tháng 7 vừa qua, Chính phủ xác định dòng xe chở người đến 9 chỗ (hay còn gọi xe du lịch, xe con) là trọng tâm ưu tiên phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Trong quyết định phê duyệt chiến lược này, ngoài việc đưa ra định hướng phát triển ô tô cá nhân, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình chỉ đạo, thực hiện chiến lược này, theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô với các chiến lược, quy hoạch, các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của từng bộ, ngành và địa phương.

"Khi ban hành các chính sách mới phải bảo đảm nguyên tắc kế thừa và không trái với chủ trương phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được phê duyệt," theo điều 3 trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Thủ tướng Chính phủ.

Trong chiến lược, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về thuế, kèm theo các tiêu chí, điều kiện rất cụ thể, bảo đảm khả thi và có tính ổn định, lâu dài, phù hợp với các cam kết quốc tế. Quyết định chỉ rõ: "Cơ chế chính sách bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư."

Với chiến lược này, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước cho rằng chủ trương phát triển ô tô con là khá rõ, đặc biệt là cam kết của Chính phủ đảm bảo tính ổn định lâu dài trong chính sách phát triển ngành để họ tin tưởng đầu tư lâu dài.

Thế nhưng chưa đầy 6 tháng sau, Sở GTVT TPHCM lại có đề xuất với UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng các biện pháp hạn chế xe cá nhân (chủ yếu là ô tô con) trên địa bàn thành phố bằng các giải pháp tăng thuế, phí như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ, tăng phí đăng ký với các loại xe cá nhân mới, thu phí môi trường…

Theo một số doanh nghiệp, đề xuất này là một biện pháp kềm hãm phát triển ô tô cá nhân của TPHCM – một thị trường được đánh giá là lớn nhất nhì cả nước hiện nay (chiếm khoảng 30% lượng xe cả nước). Như vậy là đi ngược với chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ.

Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp, đề xuất của Sở GTVT nếu được duyệt có khả năng sẽ tự làm khó chính TPHCM trong vấn đề thu phí và thuế.

Đơn cử với đề xuất tăng phí trước bạ, một số ý kiến cho rằng nếu được phê duyệt thì thành phố sẽ gặp khó khăn trong thu thuế trước bạ trong khi lượng ô tô mới sẽ không giảm như kỳ vọng. Bài học này đã từng xảy ra và thành phố cũng đã phải tự điều chỉnh cho phù hợp với các địa phương lân cận.

Đó là vào năm 2013, hầu hết các tỉnh lân cận đều áp dụng loại phí này với mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ cho phép là 10% thì TPHCM vẫn giữ ở mức tối đa 15%. Khi đó để giảm tiền phí trước bạ, nhiều người mua ô tô mới đã đăng ký phí trước bạ ở những tỉnh lân cận của TPHCM với mức chung; sau đó họ đăng ký lần thứ 2 của chiếc xe này tại chính nơi họ muốn sở hữu là TPHCM với mức phí là 2%. Điều này dẫn đến giảm đáng kể nguồn thu ngân sách từ lệ phí trước bạ của thành phố.

Tương tự, một động thái ngược chiều khác là đề xuất chỉ cấp một số lượng xe giới hạn nhằm phù hợp với điều kiện đường sá hằng năm, theo đó, người chủ xe sẽ phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền chạy xe ra đường. Riêng tại khu vực nội đô các thành phố lớn, người muốn sở hữu ô tô con còn phải chứng minh có chỗ đỗ xe.

Với đề xuất này, một số ý kiến cũng cho rằng người tiêu dùng cũng có thể lấy bảng số ở các tỉnh rồi chạy vào nội đô TPHCM. Vụ này giống vụ xe máy cách đây mấy năm ở Hà Nội.

Dù đề xuất này của Sở GTVT còn phải chờ các cấp có thẩm quyền cấp cao hơn phê duyệt, nhưng trong mắt của các nhà sản xuất họ thật sự không yên tâm để đầu tư lâu dài, trong khi người tiêu dùng thành phố thì dè chừng trong việc mua xe vì lo ngại rủi mua rồi sẽ phải đóng hàng loạt loại phí, thuế mới….

Mời đọc thêm:

>>> TPHCM có thể áp dụng "hạn ngạch" sở hữu ô tô

>>> Xe con được đưa vào chiến lược ưu tiên phát triển

>>> Sẽ về tỉnh đăng ký ô tô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới