Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất dùng kinh phí công đoàn hỗ trợ đoàn viên, lao động dịp Tết

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản liên quan đến báo cáo tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lên phương án nghiên cứu việc sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên, lao động bị ảnh hưởng việc làm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề.

Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm nhiều như dệt may, da giày, chế biến gỗ. Ảnh: TL

TTXVN đưa tin, trong văn bản liên quan đến báo cáo tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng, Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lên phương án nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên, lao động bị ảnh hưởng việc làm.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tiền thưởng tết cho lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm nay có sự trái chiều giữa một số ngành nghề, trong khi doanh nghiệp điện tử, tài chính, ngân hàng có mức thưởng tết cao hơn thì lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… giảm từ 10 – 20% so với các năm.

Mức thưởng trung bình của doanh nghiệp dao động khoảng 1 tháng lương của lao động (tương đương 6,2 triệu đồng/người). Mức thưởng tết cao tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực như điện tử – công nghệ thông tin; tài chính – ngân hàng; thương mại; chế biến thực phẩm; sản xuất bao bì, nhựa.

Đơn vị này cho biết thêm, từ tháng 9-2022 đến ngày 9-1-2023, cả nước đã có 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh thành đang trong tình trạng bị sụt giảm đơn hàng. Vì thế, khoảng 546.835 lao động đang phải giảm giờ làm, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm bao gồm giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người và hơn 48.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng.

Phần lớn, số lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung trong 3 ngành chính là dệt may, da giày, chế biến gỗ. Trong đó, có 70% tổng số lao động bị ảnh hưởng chủ yếu ở TPHCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…

Để tháo gỡ khó khăn trên, ngoài việc đề nghị sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên, lao động, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16-12-2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động và chăm lo đời sống người lao động.

Ủy ban Quan hệ lao động đề xuất giải pháp cụ thể cho các bên liên quan trong việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, việc làm.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với bộ, ngành liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp, đề xuất biện pháp hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chủ trương chính xác. Hợp lòng dân. Lẽ ra nên làm sớm hơn. Khoản kinh phí này lên đến hàng ngàn tỷ, đang gởi ở các ngân hàng. Cần nhanh chóng giải ngân để hỗ trợ người lao động đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong dịp Tết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới