Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất duy trì shipper, tăng cường mua bán hàng trực tuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất duy trì shipper, tăng cường mua bán hàng trực tuyến

Chánh Trung

(KTSG Online) – Bộ Công Thương và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ cùng phối hợp để tiếp tục duy trì hoạt động của các shipper, bên cạnh đó đẩy mạnh đưa hàng hóa, nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Đề xuất duy trì shipper, tăng cường mua bán hàng trực tuyến

Bộ Công Thương và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ cùng phối hợp để tiếp tục duy trì hoạt động của các shipper. Ảnh: Lê Vũ

Bộ Công Thương và Bộ Thông tin Truyền thông vừa có buổi làm việc để phối hợp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Duy trì shipper, đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử

Theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất duy trì đội ngũ giao hàng (shipper), để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội; đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào khâu lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là trong việc ưu tiên tạo “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa thiết yếu; đề xuất phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Qua 2 kênh online và offline, đến ngày 25-7, 2 doanh nghiệp bưu chính Viettel Post, Vietnam Post đã mở 2.972 điểm bán hàng hóa thiết yếu tại 21 địa phương đang giãn cách xã hội. Khối lượng hàng thiết yếu đã cung cấp tới người dân các tỉnh, thành này là 1.331 tấn.

Bộ Công Thương cho biết việc tăng cường mua bán hàng trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh, góp phẩn đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối, phối hợp với các cục/vụ chức năng làm việc với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất các phương án cung ứng hàng hóa cho các địa phương vùng dịch, hỗ trợ các hộ nông dân phân phối hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.

Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành, địa phương khác nhằm thúc đẩy việc này.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết các sàn thương mại điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự phối hợp rất tích cực với Bộ Công Thương trong việc đưa các sản phẩm nông sản của các địa phương lên sàn và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hỗ trợ các hộ nông dân tổ chức phân phối nông sản, hàng hóa đặc sản địa phương trên sàn thương mại điện tử là một quá trình liên quan tới các nội dung, phạm vi như nguồn cung hàng hóa các địa phương, quản lý chất lượng hàng hóa, phương án logistics cho hàng hóa trên thương mại điện tử… Việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử cần sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan.

Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị của bộ và Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất phương án hỗ trợ các hộ nông dân tổ chức phân phối nông sản, đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó từng bước tổ chức các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, phải phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tạo “luồng xanh” để các sàn thương mại điện tử cũng được đưa hàng hóa ngay vào tâm dịch.

Shipper, bưu chính sẵn sàng hoạt động trong dịch

Bộ Công Thương nhất trí với đề xuất duy trì đội ngũ giao hàng (shipper). Tuy nhiên, để duy trì đội ngũ này, cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị, từ đó, tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ này, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Các đối tác tài xế của Grab đã được tiêm vaccine để tiếp tục duy trì hoạt động. Ảnh: Grab

Đại diện các công ty như Grab, Gojek, Baemin… cho biết đã triển khai đầy đủ các yêu cầu của các tỉnh, thành phố để tài xế được tiếp tục hoạt động, nhiều tài xế đã được tiêm vaccine. Các công ty đã tạo QR Code cho các đối tác tài xế (hiển thị đầy đủ thông tin về tài xế như họ tên, số CMND, khu vực đăng ký hoạt động chỉ trong một địa bàn quận, huyện,…). Bên cạnh đó đăng ký mẫu nhận diện shipper để các cơ quan chức năng có thể thuận tiện và dễ dàng nhận diện, truy xuất và xác thực thông tin của shipper… Nhiều shipper của Grab đã được tiêm vaccine vào ngày 27-7, giúp cả shipper lẫn khách hàng an tâm hơn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

Đại diện Viettel Post cho hay đã trang bị cho bưu tá khẩu trang, găng tay và xịt khử khuẩn… hướng dẫn phổ biến qua kênh online về nội quy, quy tắc phòng chống dịch. Công tác giao hàng tại địa chỉ nhận luôn đảm bảo giãn cách 2 m. Viettel Post cũng khuyến khích các khách hàng thanh toán trước, thanh toán không tiền mặt (qua các ứng dụng thanh toán điện tử) để hạn chế việc tiếp xúc gần, giao dịch tiền giấy cũng có thể có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Đại diện Vietnam Post cho hay để đảm bảo cho tất cả cán bộ công nhân viên, nhất là lực lượng thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, Vietnam Post không chỉ yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất mà còn trang bị hàng triệu khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn, nước sát khuẩn, quần áo bảo hộ… cho người lao động.

Để chủ động rà soát, khoanh vùng ảnh hưởng của dịch bệnh, 100% cán bộ công nhân viên và người lao động, trong đó có bưu tá phải khai báo y tế hàng ngày, thường xuyên sử dụng ứng dụng Bluezone, kết hợp với bật Bluetooth trên điện thoại cá nhân trong thời gian di chuyển và làm việc hàng ngày, đại diện Vietnam Post cho hay.

Vietnam Post đưa vào vận hành hệ thống tủ phát hàng tự động Post Smart gồm 40 tủ, trong đó có 18 tủ tại Hà Nội, 22 tủ tại TPHCM và sẽ dần mở rộng cung cấp dịch vụ này tại các tỉnh thành khác trong thời gian tới, giúp khách hàng nhận hàng thuận tiện 24/7 mà không lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua tiếp xúc.

 

Mời đọc thêm:

Công bố đặc điểm nhận diện shipper được phép đi giao hàng tại TPHCM

Các nhóm hàng hóa thiết yếu nào được lưu thông khi giãn cách xã hội?

Xem xét thiết lập 'điểm tập kết hàng hóa' cho thương mại điện tử

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới