Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất giải pháp dài hạn xử lý ùn tắc hàng hóa qua cửa khẩu

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc (bổ sung một số mặt hàng); tăng cường trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; thống nhất quy trình xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Những nội dung nêu trên là một phần của các giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn nhằm xử lý ùn tắc hàng hoá qua cửa khẩu mà tỉnh Lào Cai đề xuất với Bộ Công Thương tại buổi làm việc ngày 6-1. Sau Quảng Ninh (ngày 28-12-2021) và Lạng Sơn (29-12-2021), Lào Cai là điểm đến tiếp theo của Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu, nhằm nắm bắt tình hình và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hàng hoá xuất khẩu chờ thông quan qua cửa khẩu Lào Cai sang Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết lưu thông hàng hóa

Theo báo Congthuong.vn, báo cáo với Đoàn công tác Bộ Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, ông Hoàng Chí Hiền cho biết, khác với cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, tại các cửa khẩu Lào Cai, hàng hoá nông sản không bị ùn ứ, tuy nhiên hàng hoá nhập khẩu (nguyên nhiên liệu, rau củ quả) ách tắc bên Hà Khẩu, Trung Quốc là rất lớn, có thời điểm lên đến trên 2.000 xe.

Tính riêng trong tháng 12-2021, phía Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động thông quan tại cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc) 3 lần, trong đó: lần 1 từ ngày 4-12 đến 7-12 (để phun khử khuẩn và rà soát lại công tác phòng chống dịch); lần 2 từ 12-12 đến 15-12 (để tiếp tục phun khử khuẩn và rà soát lại công tác phòng chống dịch); lần 3 từ 27-12 đến 28-12 (do đội lái xe trung chuyển qua cửa khẩu của phía Trung Quốc phải đi xét nghiệm Covid-19 và chờ kết quả).

Đến thời điểm hiện tại, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai diễn ra bình thường tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt. Đối với hàng hóa xuất khẩu, chỉ thông quan những mặt hàng khô như sắn lát khô, tinh bột sắn, gỗ ván, đỗ, lạc,… (các mặt hàng trái cây tươi vẫn chưa thông quan xuất khẩu được). Trong những ngày đầu năm 2022, lượng phương tiện chở hàng hóa thông quan xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành đạt trung bình trên 300 phương tiện/ngày (trong đó phương tiện Việt Nam xuất khoảng dưới 100 xe; phương tiện Trung Quốc nhập khoảng trên 200 xe), ông Hoàng Chí Hiền cho biết.

Cùng theo ông Hiền, thời gian qua, Lào Cai đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết lưu thông hàng hóa của các địa phương. Tỉnh đặc biệt quan tâm và thường xuyên thông tin đến các tỉnh, thành phố có vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn về tình hình hoạt động thông quan tại các cửa khẩu; các phương án quản lý người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai; tình hình triển khai một số biện pháp về quản lý hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa của phía Trung Quốc..

Đặc biệt, địa phương điều chỉnh giảm mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cửa khẩu để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai (đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản).

Để phần nào giảm bớt ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (nhất là đối với hoạt động xuất khẩu các loại nông sản, thủy sản), trước mắt tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 đồng thời có những rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là cho phép tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh có cửa khẩu biên giới nói chung triển khai mô hình “cửa khẩu an toàn” – “cửa khẩu xanh” tạo ra vùng đệm an toàn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tăng cường công tác cung cấp thông tin về dịch bệnh, tình hình thị trường nông sản của phía Trung Quốc để kịp thời khuyến cáo các thương nhân xuất khẩu nông sản và các vùng trồng nông sản chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, tránh tình trạng một số thời điểm xảy ra hiện tượng ùn ứ, ách tắc cục bộ hàng hóa tại cửa khẩu như trong thời gian vừa qua.

Tăng cường trao đổi với các bộ, ngành, địa phương phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động nhập khẩu các loại hàng hóa (đặc biệt là đối với hàng nông sản) của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, trong đó khôi phục lại hoạt động nhập khẩu mặt hàng trái cây tươi qua cửa khẩu Kim Thành.

Tập trung cho các giải pháp dài hạn

Liên quan đến giải pháp dài hạn, tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc (bổ sung các mặt hàng sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, khoai lang tím,…) trong đó quan tâm đối với mặt hàng thảo quả, quả dứa và củ sắn tươi của tỉnh Lào Cai.

Tăng cường trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; thống nhất quy trình xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…; hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm có chính sách, cơ chế hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp; nhất là thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sâu các loại nông sản nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Lưu tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh, để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới; tăng cường phân bổ nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt, các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan,… thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống hạ tầng áp dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử qua biên giới.

Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục nắm thông tin và kịp thời phối hợp với các địa phương có cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để cung cấp thông tin, thường xuyên cập nhật về các quy định, yêu cầu của phía Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu qua biên giới đường bộ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kể từ đầu tháng 12 tới nay đã phát sinh tình trạng ùn tắc hàng hóa ở khu vực các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến tình hình này nên đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới vào cuộc để xử lý tình hình.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý phía Trung Quốc đã và vẫn sẽ còn xiết chặt các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, do đó giải pháp quan trọng vẫn là tăng cường hội đàm với phía các cơ quan chức năng của Trung Quốc.

Tất cả là vẫn phải hướng đến các giải pháp xử lý căn cơ tình hình, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Trước tình hình ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các địa phương, đơn vị, thông tin, khuyến cáo đến các hộ nuôi trồng, nhà vườn, hợp tác xã, các doanh nghiệp tạm thời dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu biên giới, theo TTXVN.Đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin để điều tiết hợp lý lượng nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh sang Trung Quốc thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2022, nhất là một số cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chưa được thông quan trở lại.Các đơn vị có kế hoạch, phương án lựa chọn phương thức xuất hàng chính ngạch qua đường biển, đường sắt; có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa phải quay lại tiêu thụ nội địa do không xuất khẩu sang Trung Quốc.Đối với các địa phương có vùng trồng hoa quả trọng điểm phối hợp thông tin đến các địa phương biên giới chỉ đạo điều tiết hợp lý lượng hàng hóa khi vào vụ thu hoạch nhằm tránh ùn ứ, hư hỏng và bị ép giá. Cùng đó, tăng cường các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chủ động nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc để hỗ trợ, hướng dẫn thương nhân, người dân chủ động trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, bao bì nhãn mác phù hợp với điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian giao nhận tại cửa khẩu sau khi hoạt động xuất khẩu được khôi phục.Các đơn vị có biện pháp kiểm soát chặt chẽ công tác khử trùng, khử khuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu tránh nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 trên bao bì sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm lạnh.

Tổng hợp từ TTXVN, Congthuong.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới