Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay ở mức 1.500 đồng một lít tới hết năm 2022 để hỗ trợ ngành hàng không.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo để trình Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay. Cơ quan này đã đề xuất giảm 50% thuế so với mức quy định hiện hành là 3.000 đồng/lít, tương ứng với mức giảm 1.500 đồng/lít từ ngày 1-1 đến hết 31-12-2022. Như vậy, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay dự kiến áp dụng ở mức 1.500 đồng/lít tới hết năm 2022.

Vận tải hàng không là ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế – xã hội. Ảnh minh họa: VNA

Trước đó, để hỗ trợ ngành hàng không, mức thuế này đã được giảm 30% về 2.100 đồng/lít và có hiệu lực từ tháng 8-2020 đến hết năm nay.

Đề xuất giảm thuế lần này, theo Bộ Tài chính là nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho ngành hàng không trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải hàng không phải hạn chế hoạt động, có lúc gần như đóng băng.

Cũng theo cơ quan này, chính sách giảm thuế trong giai đoạn vừa qua chưa phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục giảm thuế nhiên liệu bay trong năm 2022 để hỗ trợ ngành hàng không trong giai đoạn bình thường mới.

Để chính sách sớm đi vào thực tiễn, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, sản lượng tiêu thụ bay trong ngắn hạn khó bằng sản lượng trước năm 2020 – thời điểm dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Với giả định, sản lượng tiêu thụ nhiên liệu bay trung bình khoảng 70-96 triệu lít mỗi tháng như năm 2020, số thu thuế bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng dao động giảm khoảng 1.386-1.900 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, từ đầu tháng 5 đến nay, gần như 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đóng băng. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm 60%, dự kiến năm nay giảm thêm. Đồng thời, số lỗ năm 2021 sẽ lớn hơn mức 16.000 tỉ đồng của năm ngoái, số tiền nộp ngân sách dự kiến giảm 10.000 tỉ đồng.

Vận tải hàng không là ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế – xã hội. Bên cạnh chức năng chính là vận chuyển hành khách, hàng hóa, ngành này gián tiếp thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác.

Nhiều nước trên thế giới đã hỗ trợ cho ngành hàng không như Trung Quốc, Thái Lan áp dụng nới lỏng thuế, phí. Còn Singapore, Canada trực tiếp “bơm tiền” bù đắp chi phí cho doanh nghiệp hoặc mua trái phiếu chuyển đổi, mua cổ phiếu để tăng vốn.

Với Việt Nam, Bộ Tài chính đánh giá, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là khoản phải nộp tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nên đây là giải pháp hỗ trợ phù hợp. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường giúp giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh suy yếu dòng tiền, âm thanh khoản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới