Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất lập ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất lập ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL

Trung Chánh

Đề xuất lập ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL
Có cần thành lập ban chỉ đạo sản xuất để giải quyết khó khăn cho vùng ĐBSCL? Trong ảnh là nông dân Tiền Giang đang thu hoạch chôm chôm – Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tại một hội nghị nông nghiệp ở Cần Thơ hôm nay, 31-10, đã đề xuất thành lập một ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp để giải quyết khó khăn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 tại Nam bộ” được tổ chức ở Cần Thơ, hôm 31-10, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng cần có một ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cấp vùng do một phó thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo, điều hành mới có hiệu quả.

Giải thích lý do đưa ra đề xuất trên, ông Việt cho rằng còn tồn tại nhiều vấn đề trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL như việc xây dựng chuỗi giá trị, liên kết vùng, hay việc lựa chọn cây giống nông nghiệp.

“Ví dụ, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước, nhưng đến nay có được bao nhiêu phần trăm hộ nông dân sử dụng giống lúa có xác nhận?” ông Việt nói. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại ĐBSCL chỉ có khoảng 30% diện tích sử dụng giống lúa được xác nhận.

Theo ông Việt, việc thành lập ban chỉ đạo này sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp có sự chỉ đạo cụ thể, hiệu quả hơn, qua đó, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành nông nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả. (trong khi hiện tại, đã có Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có chức năng chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng -NV).

Tại hội nghị, ông Việt cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp phải rà soát lại và sơ kết việc thực hiện để có cơ sở rút ra những bài học, “bởi qua khảo sát của chúng tôi ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL, thì vẫn còn tình trạng Nhà nước, địa phương quy hoạch một đằng, nhưng nông dân lại làm một nẻo,” ông nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung tình hình xuất khẩu ngành nông nghiệp của Việt Nam trong năm 2015 gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo của bộ cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nông, lâm và thủy sản cả nước đạt 24,61 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, xuất khẩu gạo đạt 2,26 tỉ đô la Mỹ, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cà phê đạt 2,13 tỉ đô la Mỹ, giảm 31,4%;  cao su đạt 1,22 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,8%; thủy sản đạt 5,37 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, về sản xuất lúa gạo, báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho thấy hoạt động sản xuất lúa ở ĐBSCL trong năm 2015 tiếp tục có bước phát triển đáng kể.

Cụ thể, ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, dẫn số liệu báo cáo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh, thành ĐBSCL cho biết năm 2015 toàn vùng gieo sạ được gần 4,3 triệu héc ta lúa, tăng hơn 11.600 héc ta so với năm 2014 với sản lượng thu hoạch đạt gần 25,7 triệu tấn lúa hàng hóa, tăng hơn 429.000 tấn so với năm 2014.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới