Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất mua tạm trữ đường bình ổn giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất mua tạm trữ đường bình ổn giá

Thái Hằng thực hiện

Ông Võ Thành Đàng. Ảnh: T.Hằng

(TBKTSG Online) – Niên vụ mía đường 2009-2010 sắp kết thúc vào khoảng tháng 4 được đánh giá là có nhiều bất ổn khi giá đường trong nước từ đầu vụ đã biến động mạnh theo giá thế giới, giảm gần 300 đô la Mỹ/tấn đường trong vòng 2 tháng.

Hiệp hội mía đường Việt Nam trong hội nghị toàn thể thành viên vừa qua tại TPHCM có đề xuất phương án xây dựng mức giá định hướng , trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn mua tạm trữ giúp bình ổn giá đường.

TBKTSG Online có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam về vấn đề này.

– Vì sao hiệp hội đưa ra đề xuất mua tạm trữ đường trong thời điểm này?

Ông Võ Thành Đàng: Thật ra đây không phải lần đầu tiên hiệp hội đưa ra đề xuất Chính phủ hỗ trợ vay vốn mua tạm trữ mía đường, mà đã cách đây nhiều năm. Nhưng với tình hình giá mía đường tiếp tục bấp bênh, bất ổn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp lẫn nông dân như vừa qua thì tôi nghĩ Chính phủ cần xem xét hỗ trợ.

Một số nước lân cận có định hướng sản xuất để tiêu thụ trong nước như Việt Nam là Trung Quốc đều có xây dựng khung giá và Chính phủ đứng ra điều hành để đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên và nhất là để nông dân có lãi.

Trong nhiều chuyến qua Trung Quốc công tác tôi thấy họ xác định giá đường bán buôn, cỡ 6 nhân dân tệ/kg – tương đương 15.000 đến 16.000 đồng/kg bằng một công thức tính, và từ đó, xác định được giá mía là bao nhiêu thì gọi là ổn định. Bên cạnh đó, họ cũng tính toán nhu cầu thị trường , từ đó cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và đưa ra chỉ tiêu dự trữ.

Ví dụ Trung Quốc trung bình sản xuất 15 triệu tấn đường/năm, thì họ giao cho một số doanh nghiệp có tiềm lực đưa vào dự trữ 2 triệu đến 2 triệu rưỡi tấn đường. Trong trường hợp giá đường trong nước tuột dốc, doanh nghiệp sẽ mua vào theo giá chỉ đạo của Chính phủ với hỗ trợ lãi suất. Khi đường tăng giá lại thì sẽ bán ra để bình ổn thị trường.

Cũng như Chính phủ cho vay vốn để mua tạm trữ lúa gạo và cà phê, đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước vào khoảng 1,2 triệu tấn đường thì chỉ cần cho thu mua tạm trữ khoảng 200 ngàn tấn.

Tôi nghĩ, đường là một mặt hàng nhu yếu phẩm, nằm trong diện quản lý giá của Chính phủ thì việc đảm bảo sao cho giá đường ổn định là vấn đề cần được quan tâm.

– Nhưng việc mua tạm trữ đường nhằm bình ổn giá liệu sẽ hiệu quả khi nguồn cung mỗi năm mỗi thiếu hụt như năm nay dự tính cả nước thiếu đến 300 ngàn tấn đường?

Bài toán thiếu hụt đường lâu nay tôi cho là vấn đề nằm ở giá thành, với diện tích mía đang giảm, nhường chỗ cho nhiều loại cây công nghiệp khác thì làm cách nào để hạ giá thành giúp nông dân tăng thu nhập là vấn đề cần giải quyết. Muốn hạ giá thành thì phải tăng năng suất mía bằng cách đầu tư giống, vật tư và cơ giới hóa.

Tuy nhiên với thực trạng ngành mía hiện nay phát triển còn manh mún, nhiều nơi như vùng duyên hải miền Trung, mỗi nông dân trung bình chỉ có khoảng 2.000 m2 rẫy mía, thì việc đầu tư nâng cao năng suất mía lẻ tẻ từng hộ là khá tốn kém và ít hiệu quả hơn so với nếu trồng tập trung trên diện rộng. Nhưng cái chính là giá mía cứ phập phù khiến nông dân không hứng thú với cây mía.

Cho nên, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ phê duyệt hỗ trợ cho vay vốn mua đường tạm trữ để giúp ổn định giá đường, giá mía về lâu dài. Giá mía có ổn định thì mới giúp người nông dân yên tâm trồng mía.

– Ông có nhắc đến xây dựng khung giá định hướng cho đường, cụ thể là như thế nào, vì tháng 9 năm ngoái, hiệp hội cũng đề xuất giá mua định hướng bán buôn đường kính trắng ở mức 10.500 đồng/kg và giá sàn mua mía 10CCS tại ruộng là 600.000 đồng/tấn?

Giá đó chỉ mang tính tạm thời, như trong năm nay giá mía tương đối cao, như ở miền Trung-Tây Nguyên giá mua mía thấp nhất cũng đã là 650.000 đồng/tấn nên không có vấn đề gì, chứ sợ như niên vụ tới giá đường tiếp tục thấp thì biện pháp đó sẽ không còn hiệu quả.

Hiện tại hiệp hội đang có kế hoạch thuê một công ty tư vấn độc lập nước ngoài để định giá đường như thế nào là chuẩn và hợp lý, mang tính lâu dài, từ đó tiếp tục định giá mía, sao cho các đối tượng có liên quan trong chuỗi trồng, thu hoạch, sản xuất, vận chuyển cho đến tiêu thụ đều đảm bảo lợi ích. Sau khi định giá, chúng tôi sẽ trình cho các bộ ngành và Chính phủ xem xét để đưa ra những phương án hỗ trợ thích hợp.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới