Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất Ngân hàng Nhà nước có quyền điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát của ngành ngân hàng, trong đó có đề xuất Ngân hàng Nhà nước được quyền điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng.

Chiều 9-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) – Ảnh: Quochoi.vn

Theo TTXVN, chiều 9-5 tại phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình một số vấn đề liên quan các quy định mới về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc sửa một số quy định sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản, cũng như có các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt, có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Từ đó bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.

Theo Quochoi.vn, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định ngân hàng nào bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả, hoặc có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm.

Ngân hàng Nhà nước cũng được bổ sung thẩm quyền trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật.

Đề xuất Ngân hàng Nhà nước được quyền điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng và Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ căn cứ bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước về điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng; rà soát quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát để tương ứng với thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, can thiệp sớm theo quy định của dự thảo luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo.

Bên cạnh đó, các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng để khắc phục vấn đề, trong khi lại sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước.

Về khoản vay đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đánh giá đây là biện pháp cần thiết, nhưng dự thảo luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, khó xác định được thời gian của khoản vay này. Đề nghị làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt là 0% và trách nhiệm các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.

Với trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế nhận định, các biện pháp nêu tại dự thảo luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài, chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước mà chưa có những biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng; cần rà soát, chỉnh sửa nội dung này và làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với việc triển khai các phương án với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 9-5 – Ảnh: Quochoi.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới