Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất phương án xử lý vết nứt đốt hầm Thủ Thiêm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất phương án xử lý vết nứt đốt hầm Thủ Thiêm

(TBKTSG Online) – Theo cơ quan giám định xây dựng nhà nước, hiện nhà thầu và tư vấn thiết kế dự án đại lộ Đông-Tây, TPHCM đã đề xuất một vài phương án xử lý vết nứt tại bốn đốt hầm công trình hầm Thủ Thiêm.

Bốn đốt hầm này hiện đã được đúc xong và đang chờ ngày lắp ghép thành hầm ngầm vượt sông Sài Gòn với quy mô được đánh giá là dài nhất Đông Nam Á.

Trong buổi trao đổi thông tin với báo chí chiều ngày 19-8, ông Lưu Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết phía nhà thầu và tư vấn dự án đã trình lên Bộ Xây dựng phương án xử lý các vết nứt.

Theo đó, nếu các vết nứt nhỏ hơn 0,1mm thì chưa cần xử lý, các vết nứt lớn hơn 0,1mm và nhỏ hơn 0,3mm thì được xử lý phủ keo Epoxy lên bề mặt. Trường hợp vết nứt lớn hơn nữa sẽ được bơm keo trực tiếp vào sâu trong các vết nứt. Báo cáo của chủ thầu và nhà tư vấn thiết kế Nhật Bản khẳng định, các vết nứt đa phần đều nhỏ. Vết nứt lớn nhất có chiều rộng khoảng 0,2-0,3mm, chiều dài khoảng 2m.

Cục trưởng Hùng xác nhận các vết nứt tại 4 đốt hầm Thủ Thiêm là do lỗi kỹ thuật và phủ nhận việc cắt xén vật liệu xây dựng tại 4 đốt hầm này. Theo ông Hùng thì sự việc không đến mức quá trầm trọng, song các bên vẫn phải đánh giá thận trọng nguyên nhân là gì, dự báo khả năng phát triển vết nứt, ảnh hưởng kết cấu ra sao. Phương án đúc lại cũng được tính đến song phải là phương án cuối cùng.

Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về 4 đơn vị là UBND TPHCM – chủ đầu tư dự án, ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây – đại diện chủ đầu tư, nhà thầu Obayashi, Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương – đơn vị tư vấn thiết kế kiêm giám sát. Mặc dù sự ràng buộc giữa các bên đã được nêu rõ trong hợp đồng nhưng trách nhiệm cụ thể đến đâu còn phải chờ xem diễn biến và nguyên nhân của vụ việc sau khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng xác minh.

Đốt số 1 được đúc ngày 13-9-2007, các đốt tiếp theo vào các ngày 19-9, 26-9, 7-10. Sau vài tháng thì xuất hiện vết nứt, các chuyên gia hội đồng đã kiểm tra và có văn bản yêu cầu các bên liên quan đánh giá và theo dõi. Do vậy, ông Hùng khẳng định sự việc vẫn trong tầm kiểm soát.

Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng sẽ có đánh giá sớm để kịp tiến độ thi công, dự kiến sẽ kết thúc việc đúc hầm vào cuối tháng 9 tùy thuộc vào chiều dài, chiều rộng và mật độ của các vết nứt. Tuy nhiên, sự việc diễn tiến ra sao còn phải chờ quan điểm chính thức từ phía chủ đầu tư (UBND TPHCM), là đồng ý với phương án khắc phục hoặc sẽ mời một nhà thầu chuyên nghiệp khác.

HẠNH LIÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới