Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất SCIC thoái vốn ở hàng trăm doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất SCIC thoái vốn ở hàng trăm doanh nghiệp

Sắp tới đây, SCIC sẽ tăng cường việc thoái vốn và bán cổ phần ở 754 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán sẽ là một kênh được lựa chọn để SCIC thoái vốn – Ảnh minh họa: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể chỉ giữ lại 100 doanh nghiệp có vốn lớn và làm ăn hiệu quả nhất trong tổng số trên 870 doanh nghiệp mà tổng công ty này đang quản lý phần vốn nhà nước.

Bộ Tài chính và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra đề xuất nêu trên với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong buổi thảo luận đầu tiên về thực hiện chính sách xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong cổ phần hóa doanh nghiệp chiều 21-8.

Theo đó, SCIC sẽ tăng cường việc thoái vốn và bán cổ phần ở 754 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu là các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, hoặc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản. Tổng công ty này sẽ chỉ giữ lại các doanh nghiệp có vốn lớn và làm ăn có hiệu quả.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề xuất, với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần tăng cường, tránh phân tán như thời gian qua. Theo ông, Bộ Tài chính sẽ chỉ theo dõi toàn bộ vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, cũng như các khoản thu được từ bán tài sản nhà nước sau khi cân đối, đầu tư trở lại cho doanh nghiệp.

Cũng theo đề xuất của đoàn giám sát, cổ tức thu về sẽ được coi là khoản thu của ngân sách. Hiện khoản thu này mỗi năm đạt khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ý kiến: Nếu doanh nghiệp quá khó khăn về tài chính và nợ xấu cao, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu không đủ bù đắp, thì doanh nghiệp được phép tuyên bố phá sản. Doanh nghiệp sau đó có thể được tái thành lập và giao cho người lao động định đoạt.

Tính đến tháng 6-2008, SCIC đã tiếp nhận 876 doanh nghiệp với lượng vốn nhà nước 8.035 tỉ đồng. Cơ quan này cũng đã cơ cấu lại một số ngành và doanh nghiệp lớn như Pacific Airlines, Bảo Minh, Vinamilk.

Mặt khác, theo các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc định giá không chính xác tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Ông Phùng Xuân Hiển dẫn chứng, khi bắt đầu cổ phần hóa, Bến xe Miền Đông (TPHCM) được xác định giá trị doanh nghiệp là 60 tỉ đồng. Nhưng khi có quy định mới (Nghị định 109 của Chính phủ năm 2007) về cổ phần hóa doanh nghiệp, giá trị có thể đội lên gấp 31 lần. Tương tự, Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan (Lâm Đồng) kinh doanh khách sạn ở vị trí đắc địa với diện tích đất 2.292 m2. Khi định giá để cổ phần hóa, giá trị công ty Ngọc Lan được xác định là 3,5 tỉ đồng, cổ phần của nhà nước chiếm 30% sau đó tiếp tục được bán hết. Nếu xác định lại giá trị doanh nghiệp theo cách mới chắc chắn không còn ở con số nêu trên.

Theo ông Hiển, trong thời gian đầu cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp gắn với đất đai rất sơ khai. Trong khi đó, các định chế trung gian như kiểm toán, tư vấn đều chưa có vai trò nào trong việc cổ phần hóa.

Vì thế, theo ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần làm sao để cổ phần hóa không là cơ hội để một số người làm giàu từ tài sản nhà nước. “Thực tế là đã có những người quản lý giàu lên trong khi quản lý doanh nghiệp. Tôi nghĩ nên tách biệt quản lý sở hữu riêng, quản lý điều hành riêng”, ông Lợi nói.

Theo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ cần tính toán phương án cổ phần hoá, nhất là định giá đất và giá thuê đất. Đối với doanh nghiệp sử dụng đất thuê, giá sẽ phải sát với thị trường và không để tình trạng giá thuê đất của nhà nước quá thấp so với giá thị trường, làm lợi không chính đáng cho doanh nghiệp nhà nước và để doanh nghiệp ngoài nhà nước phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với số doanh nghiệp được hưởng lợi này.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, thực tế hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về đại diện chủ sở hữu tại các tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, cơ chế thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, cũng như cơ chế thông tin giám sát đối với các công ty cổ phần chưa niêm yết.

Bộ Tài chính cho hay sẽ tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ cơ quan quản lý nhà nước sang cơ quan kinh doanh. SCIC sẽ là đầu mối quản lý vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp nhằm dần xóa bỏ chế độ chủ quản đối với doanh nghiệp thay cho mỗi bộ quản lý một phần doanh nghiệp theo lĩnh vực như từ trước đến nay.

BẢO CHÂU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới