Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất thu phí giám sát chứng khoán phái sinh và chứng quyền có bảo đảm

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Tài chính đề xuất thu phí giám sát chứng khoán phái sinh và chứng quyền có bảo đảm với mức thu được xây dựng dựa trên nguyên tắc tương đồng cách tính và mức thu phí giám sát từ hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Tại dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, thay thế Thông tư số 272/2016, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung việc thu phí giám sát chứng khoán phái sinh và chứng quyền có bảo đảm với mức thu xây dựng dựa trên nguyên tắc tương đồng cách tính và mức thu phí giám sát từ hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở. Đồng thời, đảm bảo công tác quản lý giám sát thị trường chứng khoán phái sinh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và tạo động lực để thị trường chứng khoán phái sinh phát triển.

Cụ thể, mức thu phí giám sát chứng khoán phái sinh với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) bằng 10% doanh thu giá dịch vụ bù trừ và giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ. Cách tính phí này tương ứng với phương thức tính phí giám sát của thị trường chứng khoán cơ sở với VSD.

Phí giám sát chứng khoán phái sinh với Sở Giao dịch chứng khoán bằng 10% doanh thu giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.

Còn phí giám sát chứng quyền có bảo đảm bằng 0,009% giá trị giao dịch, tương đương mức thu phí giám sát với cổ phiếu.

Hoạt động giao dịch chứng khoán tại một doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: M.P.

Về hoạt động chứng khoán đối với ngân hàng thanh toán, dự thảo Thông tư quy định mức thu phí giám sát bằng 0,001% giá trị thanh toán bù trừ ròng giao dịch chứng khoán của ngân hàng thanh toán với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm. Còn mức thu phí giám sát với trái phiếu doanh nghiệp bằng 0,0001% giá trị thanh toán bù trừ ròng giao dịch chứng khoán của ngân hàng thanh toán.

Về quản lý và sử dụng phí, dự thảo Thông tư điều chỉnh giảm tỷ lệ để lại từ 95% xuống 70% và điều chỉnh tăng tỷ lệ nộp ngân sách từ 5% lên 30% nhằm đảm bảo chi tự chủ cho hoạt động của Uỷ ban chứng khoán. Con số này, theo cơ quan soạn thảo, được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình thu, chi, quản lý, sử dụng nguồn thu phí và tình hình thực hiện cơ chế tài chính giai đoạn vừa qua

Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ có thể giảm một nửa, chỉ còn 5 triệu đồng

Bên cạnh quy định về mức thu phí giám sát, dự thảo Thông tư đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về lệ phí. Cụ thể, Ủy ban chứng khoán (UBCK) cấp giấy chứng nhận (GCN) đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ cho tổ chức đăng ký, lệ phí 10 triệu đồng một giấy theo quy định tại Khoản 3 Điều 220 Nghị định số 155/2020.

Theo đó, dịch vụ quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư là những nghiệp vụ chính được cấp phép. Còn nghiệp vụ phân phối chứng chỉ quỹ là dịch vụ bổ sung, cung cấp thêm mà Công ty quản lý quỹ cung cấp cho khách hàng.

Để giảm chi phí cho doanh nghiệp, dự thảo Thông tư đề xuất lệ phí cấp GCN đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ là 5 triệu đồng một giấy.

Ngoài ra tại Điểm a Khoản 1 Điều 56 Luật Chứng khoán 2019 quy định: “Thành viên bù trừ là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được UBCK cấp GCN đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên bù trừ”.

Từ nội dung trên, dự thảo Thông tư đề xuất mức thu lệ phí cấp GCN đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán/chứng khoán phái sinh là 2 triệu đồng một giấy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới