Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất xây 3 khu xử lý rác liên tỉnh, có công nghệ hiện đại ở ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất xây 3 khu xử lý rác liên tỉnh, có công nghệ hiện đại ở ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trong bản Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 có đề xuất xây dựng ba khu xử lý rác liên tỉnh có công nghệ hiện đại ở vùng này. Đây được xem là biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải chủ yếu được chôn lấp không hợp vệ sinh như thực tế diễn ra hiện nay ở ĐBSCL.

Sau đề nghị từ Trà Vinh, Cần Thơ không cho tiếp nhận và xử lý rác từ địa phương khác

Đề xuất xây 3 khu xử lý rác liên tỉnh, có công nghệ hiện đại ở ĐBSCL
Bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm môi trường cho người dân ở một địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

3 khu xử lý rác liên tỉnh

Đề xuất nêu trên được đại diện đơn vị tư vấn Royal Haskoning DHV và Tổ chức GIZ đưa ra mới đây tại hội nghị “Báo cáo và tham vấn Quy hoạch ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” diễn ra ở TP. Cần Thơ.

Theo đó, đại diện đơn vị tư vấn, đề xuất khu xử lý rác liên tỉnh thứ nhất, sẽ đảm nhận nhiệm vụ xử lý rác của hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu với tổng chất thải rắn đô thị và công nghiệp hằng năm khoảng 331.000 tấn, trong đó, có khoảng 891 tấn là bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Khu xử lý thứ hai, giúp xử lý rác cho bốn địa phương, gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long với dự kiến tổng lượng chất thải rắn đô thị và công nghiệp khoảng 285.000/năm và có khoảng 1.369 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Khu xử lý thứ ba giúp xử lý rác thải cho tỉnh An Giang và Đồng Tháp với lượng chất thải rắn đô thi và công nghiệp khoảng 332.000 tấn/năm và có khoảng 1.577 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Tận dụng công nghệ xử lý rác mới để tạo năng lượng 

Giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra, đó là sau khi thu gom, sẽ phân loại xử lý tại tỉnh (trạm trung chuyển) và số còn lại được vận chuyển (bằng đường bộ hoặc thủy nội địa) về khu xử lý liên tỉnh. Quá trình vận chuyển này được yêu cầu phải có cách kiểm soát mùi hôi và nước rỉ rác.

Đối với các khu xử lý chất thải rắn cấp tỉnh hoặc huyện, đơn vị tư vấn đề xuất chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện hoặc đốt không phát điện tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế từng địa phương.

Riêng các khu xử lý rác thải liên tỉnh, đơn vi tư vấn đề xuất sử dụng công nghệ đốt phát điện với dự kiến suất đầu tư khoảng 1,1 triệu đô la Mỹ/10 tấn rác mỗi ngày; mỗi tấn rác sẽ giúp sản sinh được khoảng 375 kWh điện; diện tích đất sử dụng để đầu tư nhà máy xử lý rác liên tỉnh khoảng 10 héc ta mỗi nhà máy.

Việc đại diện đơn vị tư vấn Royal Haskoning DHV và Tổ chức GIZ đưa ra đề xuất nêu trên xuất phát từ thực trạng xử lý rác của vùng ĐBSCL còn kém hiệu quả, chủ yếu xử lý bằng công nghệ chôn lấp, gây ô nhiễm mỗi trường.

Cụ thể, tổng lượng rác thải phát sinh của toàn vùng ĐBSCL là khoảng 14.000 tấn/ngày với công nghệ xử lý là chôn lấp, trong đó, chỉ có 19/124 bãi chôn lấp là hợp vệ sinh, tức có 105 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, còn gây ô nhiễm trực tiếp nguồn nước mặt và nước ngầm. Hình thức xử lý bằng chôn lấp khiến nhu cầu sử dụng đất lớn, chi phí cao nhưng tái sử dụng thấp.

Dự báo tổng lượng chất thải rắn đô thị đến năm 2030 có thể đạt 7 triệu tấn mỗi năm, nhưng trong quy hoạch hiện nay, việc thu gom xử lý chỉ ở quy mô tỉnh, không có quy mô vùng.

Chính vì vậy, đơn vị tư vấn đã đề xuất hình thành các khu xử lý rác liên tỉnh để có thể đáp ứng hiệu quả trong áp dụng công nghệ mới, đó là đốt rác phát điện. Muốn vậy, cần sự phối hợp liên tỉnh trên cơ sở xem xét quy mô đô thị, bãi xử lý hiện có, lượng, loại chất thải và khoảng cách đến khu xử lý liên tỉnh (dự kiến đầu tư).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới