Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đến 10-5, internet mới trở lại bình thường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến 10-5, internet mới trở lại bình thường

Vân Ly

Đến 10-5, internet mới trở lại bình thường
Dự kiến đến 10-5, kết nối internet quốc tế mới trở lại bình thường. Ảnh: Mạnh Hùng

(TBKTSG Online) -Từ ngày 23-4 đến nay, việc kết nối internet đến các dịch vụ có máy chủ đặt tại nước ngoài như Facebook, Youtube, Yahoo… rất chậm do tuyến cáp quang biển chính Asia Gateway Pacific-AAG kết nối internet của Việt Nam ra quốc tế bị đứt. Theo thông báo của trung tâm điều hành AAG, khi tuyến cáp này hoạt động trở lại vào ngày 10-5 tới, internet của Việt Nam sẽ trở lại bình thường.

Theo Trung tâm điều hành tuyến tuyến cáp quang biển AAG, dự kiến vào chiều ngày 5-5 việc hàn nối tuyến cáp đứt sẽ bắt đầu. Dự kiến đến 19 giờ ngày 10-5, công tác hàn nối tuyến cáp sẽ hoàn tất, dung lượng đường truyền internet qua tuyến cáp này được khôi phục, kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế sẽ trở lại bình thường.

Để giảm thiểu ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng dịch vụ internet, ngay sau khi sự cố đứt cáp quang biển xảy ra, các nhà cung cấp dịch vụ internet đang sử dụng lưu lượng truyền tải đi qua tuyến cáp này như VNPT, Viettel, FPT Telecom… đã  phải sử dụng những tuyến cáp quang khác.

VNPT cho biết đã mở 20 Gbps dung lượng kết nối từ Việt Nam đi Hồng Kông trên tuyến cáp đất liền qua Trung Quốc. Đồng thời doanh nghiệp này cũng làm việc với đối tác Google để ứng cứu thông tin và đáp ứng kế hoạch mở kênh internet quốc tế ngay sau khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó VNPT còn mở thêm 100 Gbps đường truyền ứng cứu trên hệ thống ALU mới đầu tư để lưu thoát lưu lượng, đảm bảo chất lượng ổn định cho người sử dụng internet.

Trong khi đó, Viettel cho biết đã triển khai phương án bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và 2 hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom, với tổng dung lượng kết nối được bổ sung là 60 Gbps. Về phía FPT Telecom, nhà cung cấp này cũng đã bổ sung những tuyến cáp dự phòng thay thế cho dung lượng kết nối quốc tế vẫn sử dụng qua AAG với chi phí thuê tăng gấp 3 lần so với thông thường.

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp AAG đã nhiều lần gặp sự cố (đứt, ngừng hoạt động, bảo trì bảo dưỡng) với tần suất trung bình mỗi năm vài lần. Thông thường tuyến cáp được sửa chữa mỗi khi gặp sự cố phải mất thời gian khoảng 2-3 tuần. Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ đều cho biết đã bổ sung lưu lượng kết nối internet dự phòng và thay thế, song tốc độ kết nối của người dùng đến các dịch vụ internet quốc tế như Facebook, Youtube, Yahoo… vẫn rất chậm so với bình thường.

Theo ý kiến của các chuyên gia internet, lưu lượng kết nối internet dự phòng và được thay thế sẽ không thể bằng lưu lượng kết nối thường vẫn sử dụng qua AAG. Giá thuê kết nối thay thế đột xuất trong ngắn hạn thường cao nên con số dung lượng thay thế mà các doanh nghiệp sử dụng khi AAG gặp sự cố chỉ có doanh nghiệp mới biết chính xác là bao nhiêu.

Thực tế đã có không ít ý kiến cho rằng mỗi năm người dùng internet ở Việt Nam phải chịu mấy tháng sử dụng dịch vụ trong tình trạng kết nối chậm do AAG gặp sự cố. Và có đến khoảng 70% người dùng internet Việt Nam bị ảnh hưởng vì tuyến cáp này. Tuy nhiên người sử dụng dịch vụ internet vẫn phải trả phí như bình thường, không được giảm giá hay nhận được lời xin lỗi của các nhà cung cấp dịch vụ internet.

Trong một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, khi việc cung cấp dịch vụ internet bị ảnh hưởng do đứt cáp quang biển hay nghẽn mạng thì nhà cung cấp dịch vụ phải có lời xin lỗi đến khách hàng, đó là văn hóa cần thiết trong kinh doanh. Và Bộ sẽ khuyến cáo các doanh nghiệp về việc này.

Xem thêm:

>>> Internet Việt Nam lại bị ảnh hưởng bởi sự cố

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới