Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đến 2030, phải có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến 2030, phải có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao

Trung Chánh

(KTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, trong đó, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 45.000 hợp tác xã và 60-70% trong số đó hoạt động đạt khá, tốt.

Lộc Trời cùng tỉnh An Giang phát triển hợp tác xã kiểu mới

Đến 2030, phải có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao
Ký kết phát triển hợp tác xã nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời ở tỉnh An Giang. Ảnh: Trung Chánh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60-70% trên tổng số hợp tác xã cả nước. Tỉ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% số giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy suất nguồn gốc đối với hàng hoá nông sản.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị…

Với An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết tỉnh đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

“Xây dựng chương trình phát triển hợp tác xã kiểu mới là hướng đi đúng, góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. Đồng thời, đánh dấu sự chuyển đổi từng bước từ tư duy "sản xuất nông nghiệp thuần túy" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", ông Bình nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển, chiến lược khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực vùng, miền của đất nước, trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP(mỗi xã một sản phẩm)…

Hợp tác xã tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất chế biến đến tiêu thụ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thành viên.

Về kinh phí thực hiện, sẽ sử dụng ngân sách Trung ương, địa phương bố trí vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021-2030 để thực hiện chiến lược.

Sử dụng kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2030; kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và kinh phí hợp pháp khác; kinh phí đóng góp từ các tổ chức, kinh phí tập thể và các doanh nghiệp liên kết với tổ chức kinh tế tập thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới