Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đèn dẫn dụ cá: Chuyện nhỏ mà không nhỏ  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đèn dẫn dụ cá: Chuyện nhỏ mà không nhỏ  

Hồng Văn  

Một chiếc tàu đánh cá công suất lớn ở Ninh Thuận trang bị hai giàn đèn, mỗi giàn 12 bóng cao áp. Đây là hao phí nhiên liệu chính trong đánh bắt thủy sản xa bờ-Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Các ghe tàu đánh bắt hải sản có công suất lớn, đi xa bờ thường có hai giàn đèn chiếu sáng hai bên hông để dẫn dụ cá, mực khi đánh bắt ban đêm. Ánh sáng của những chiếc ghe le lói ban đêm giữa biển khơi tưởng là chuyện nhỏ của ngư dân nhưng không hề nhỏ chút nào, khi nó ngốn một lượng lớn dầu diesel để chạy máy phát điện công suất lớn.  

Hàng trăm lít dầu mỗi đêm cho dẫn dụ cá  

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh có 1.450 chiếc ghe tàu đánh bắt hải sản, trong đó có 125 chiếc ghe dùng lưới đèn hai bên để đánh cá, 101 chiếc dùng đèn để câu mực và 85 chiếc ghe khác cũng trang bị đèn phục vụ cho thu mua, vận chuyển giữa biển khơi.

Ông Huỳnh Hữu Trí, Chi cục phó cho biết, phần lớn các tàu dùng giàn đèn để dẫn dụ mực, cá thường là các tàu có công suất lớn, đánh bắt trên biển dài ngày nên hao phí nhiên liệu cho đánh bắt chủ yếu thuộc về thắp sáng giàn đèn vào ban đêm.  

Thường các tàu đánh bắt hải sản trong tỉnh trang bị hai giàn đèn với 25-50 bóng cao áp có công suất lớn, loại 1.000 watt/bóng. Do vậy để thắp sáng đèn, chong suốt đêm, ngư dân phải dùng máy phát điện chạy bằng diesel có công suất 45-50 Kw, thậm chí cao hơn, nên tiêu tốn 100-200 lít dầu diesel dùng một đêm cho thắp sáng.  

“Khoảng 65% chi phí cho dầu diesel của ngư dân đánh bắt xa bờ là để chong đèn thắp sáng dẫn dụ cá”, ông Trí cho hay. Ông nhẩm tính cả tỉnh có 301 chiếc tàu dùng đèn thắp sáng thì mỗi đêm, chỉ riêng dầu diesel đã hao phí 30-60 tấn.  

Cả nước có hơn 100.000 chiếc ghe tàu đánh cá, trong đó có 15.000 ghe tàu công suất lớn (loại trên 90 mã lực) có dùng đèn. Nhiều chiếc tàu công suất lớn, dùng đèn cao áp công suất lên tới 1.500 watt, hao phí dầu diesel để phát điện có thể lên tới 300 lít/chiếc.  

Ông Trịnh Quang Dũng, Giám đốc Solarlab thuộc Viện Vật lý TPHCM, cho biết gần như toàn bộ bóng đèn cao áp đang sử dụng trong dẫn dụ cá của ngư dân là thế hệ đèn công nghệ Sodium (cùng loại với đèn đang sử dụng trong chiếu sáng công cộng), chỉ phục vụ chiếu sáng thông thường và có cùng một bước sóng ánh sáng. Trong khi việc dẫn dụ cá thì từng loại cá, mực, sống tầng nông hay sâu phải được dẫn dụ bằng ánh sáng ở nhiều bước sóng khác nhau.  

“Mỗi loài cá có cách dẫn dụ khác nhau, sống ở mực nước sâu nông khác nhau thì việc dùng loại đèn có cùng một bước sóng ánh sáng là quá hao phí, theo tôi, chỉ 20% năng lượng ánh sáng của các giàn đèn là có hữu ích cho dẫn dụ cá, còn lại 80% là lãng phí”, ông Dũng nói sau khi nghiên cứu một thời gian về đèn dẫn dụ cá. Đó là chưa kể đèn cao áp thích hợp cho chiếu sáng công cộng, trong khi mức độ nhiễm mặn trong không khí ở biển cao, nên tuổi thọ của đèn thấp.  

Dùng nhiều dầu diesel không những làm tăng chi phí cho các chủ ghe tàu mà còn tạo ra khói, cặn nhớt có thể gây ô nhiễm môi trường biển.

Tìm cách tiết kiệm  

Ông Dũng, sau khi khảo sát nghề đánh bắt xa bờ ở Nhật, Hàn Quốc, cho biết gần như toàn bộ các tàu đánh cá xa bờ ở các quốc gia này đều đã thay thế đèn cao áp trong dẫn dụ cá thông thương bằng đèn công nghệ Leds (Light Emitting Diodes), tiết kiệm được năng lượng, giảm chi phí, bớt gây ô nhiễm môi trường biển và đặc biệt, năng suất đánh bắt tăng lên đáng kể, nhờ đèn Leds được thiết kế nhiều loại khác nhau, có các bước sóng ánh sáng khác nhau để dẫn dụ cá.  

Theo nghiên cứu của KidiTech, một doanh nghiệp đang đưa công nghệ đèn Leds vào dẫn dụ cá ở nhiều doanh nghiệp đánh cá lớn ở các tỉnh, với tàu sử dụng 40 bóng đèn cao áp, giàn đèn có trọng lượng 400 kg, tiêu thụ 200 lít dầu diesel/ngày tương đương 170 đô la Mỹ/ngày. Khi thay thế bằng 100 bóng đèn Leds, trọng lượng giàn đèn chỉ còn 125 kg và lượng dầu tiêu thụ tụt xuống mức 30 lít/ngày, tương đương 25 đô la Mỹ/ngày.  

Với thời gian đi biển xa bờ 20 ngày/tháng, lượng nhiên liệu tiêu thụ từ 4.000 lít dầu/tháng giảm xuống còn 600 lít dầu/tháng nhờ công nghệ Leds. Có nghĩa mỗi đợt đi biển, 1 con tàu công suất lớn có thể tiết kiệm tiền dầu gần 3.000 đô la Mỹ nếu dùng hệ thống đèn dẫn dụ theo công nghệ Leds.  

“KidiTech đã thử nghiệm ở Công ty đánh cá Nam Triệu, Hải Phòng. Kết quả cho thấy, một chiếc tàu lớn, 1 đêm dùng 200 lít diesel để thắp sáng với đèn thường thì nay, thay bằng đèn Leds, hao phí dầu chỉ còn 20-25 lít”, ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch KidiTech cho biết. Hiện một dự án sử dụng công nghệ dẫn dụ hải sản bằng đèn Leds đang được Kiditech thực hiện với Công ty đánh cá  Nam Triệu, lồng ghép vào dự án “Điện Mặt trời đảm bảo an toàn đi biển và nâng cao khả năng đánh bắt hải sản” của Solarlab.  

Ngoài ra, theo tính toán của ông Dũng, dùng đèn Leds có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, khi lượng dầu diesel tiết kiệm được trong một chu kỳ đi biển của một chiếc tàu là 3.400 lít, tương đương với giảm phát thải hơn 3 tấn khí carbon gây hiệu ứng nhà kính. Còn ngư dân thì được lợi vì giảm hao phí nhiên liệu, tiết kiệm tiền mua bóng đèn, bởi tuổi thọ của đèn cao áp thông thường trong môi trường trên biển chỉ 3-4 tháng, trong khi đèn Leds có tuổi thọ tới 100.000 giờ.  

Hiện nay, KidiTech và Solarlab đang triển khai các dự án hỗ trợ ngư dân thay thế đèn dẫn dụ cá công nghệ Sodium bằng đèn Leds ở Tiền Giang, Hải Phòng và Nha Trang. Tại Tiền Giang, KidiTech hỗ trợ cho hai tàu đánh bắt cá 100% bóng đèn Leds để ngư dân có thể “mắt thấy tai nghe” hiệu quả của nó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới