Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đến lượt dược phẩm tăng giá  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến lượt dược phẩm tăng giá  

Khách hàng đang mua thuốc tại một nhà thuốc chưa áp dụng chuẩn GPP ở TPHCM. Ành: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Thị trường thuốc tân dược trong những ngày gần đây bắt đầu tăng giá một số mặt hàng và không ít doanh nghiệp dược đã đệ đơn lên Cục quản lý Dược và các Sở Y tế địa phương xin tăng giá thuốc.

Theo Cục quản lý Dược thì trong tháng 2, một tỷ lệ nhỏ thuốc sản xuất trong nước (0.33%) đã tăng giá với mức tăng trung bình 5,04%; và 1% thuốc nhập khẩu tăng giá 4%.

Phòng quản lý Dược thuộc Sở Y tế TPHCM cũng cho biết có 29/1.730 loại thuốc nội tăng giá 1,5%. Đối với thuốc nhập ngoại thì có 14/1.300 mặt hàng tăng giá, tỷ lệ tăng 1-6%.

Rủ nhau nộp đơn xin tăng giá

Hiện tại, một số cơ sở kinh doanh dược phẩm đã nộp đơn cho Sở Y tế thành phố xin được tăng giá. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách mảng dược phẩm là bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định rằng dược phẩm trên địa bàn thành phố chỉ tăng ở mức 1-6%, và đây là tỷ lệ chấp nhận được. Như vậy, thị trường dược tuy có biến động nhưng không phải là quá lớn.

Công ty dược phẩm Stada Việt Nam hôm 10-3 công bố điều chỉnh giá bán của 13 mặt hàng thuộc các nhóm thuốc tiêu hóa, giảm đau, kháng viêm, chống dị ứng…Có 4 loại thuốc của Stada tăng giá từ 21-27%.

Công ty Diethelm Việt Nam cũng cho biết sẽ tăng giá loại thuốc Efferalgan lên 8%.

Đại diện của Sanofi Aventis Việt Nam hôm 12-3 cho biết công ty chưa tăng giá nhưng có khả năng xem xét lại giá thuốc khi mà tình hình lạm phát tiếp tục tăng cao, giá nguyên liệu và chi phí sản xuất cũng tăng lên.

Bà Hoàng Thị Hồng Hà, Giám đốc tiếp thị của Novartis Việt Nam cũng cho rằng từ đầu năm đến nay việc kinh doanh của những hãng dược phẩm lớn đều bị ảnh hưởng bởi sự chênh lệch tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và euro so với tiền đồng Việt Nam. Mặc dù vậy, bà Hà khẳng định Novatis sẽ không tăng giá cho đến thời điểm này. 

Bà Lan cho biết từ tháng 12-2007, sở đã nhận được 4 đơn xin phép tăng giá của các doanh nghiệp, trong đó có Sanofi Aventis và Pharmedic. Chỉ có Sanofi Aventis được phép cho tăng giá thuốc giảm đau Panadol lên 7,7% do giá nguyên liệu sản xuất thuốc này tăng đến 20%.

Còn Pharmedic đòi tăng giá 29 mặt hàng với mức tăng là hơn 20%. Đơn của Pharmedic bị bác bỏ vào ngày 28-12 năm ngoái do sự lý giải tăng giá không hợp ký. Sau khi đơn của Pharmedic bị bác bỏ, 2 doanh nghiệp còn lại cũng tự rút đơn. Tuy nhiên, đến ngày 27-2 vừa qua, Pharmedic lại tiếp tục nộp đơn xin tăng giá.

Bà Lan nói rằng cơ quan quản lý tôn trọng quy luật thị trường và quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc xây dựng và điều chỉnh giá cả sản phẩm. Tuy nhiên, nếu sự điều chỉnh chưa hợp lý trong việc tính toán giá cả nguyên liệu, giá lao động, chi phí vận chuyển… thì sở quyết không cho tăng giá thuốc. “Nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình lạm phát, thừa gió bẻ măng, đã tự ý tăng giá thuốc,” bà Lan nhấn mạnh.

Tuy nhiên bà Lan cũng thừa nhận rằng với lực lượng quản lý dược mỏng như hiện nay thì chỉ quản lý thuốc ở mức giá bán buôn tùy vào từng khu vực, và không thể kiểm soát nổi giá thuốc tại các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.  Để kiểm soát giá thuốc một cách hữu hiệu, thì các nhà thuốc buộc phải áp dụng chuẩn GPP. Khi đó, nguồn thuốc cung ứng, giá bán phải được kê khai một cách minh bạch và dễ kiểm soát hơn. Cho đến thời điểm này, các mặt hàng thuốc tại các bệnh viện trong thành phố vẫn được kiểm soát giá chặt chẽ và chưa có dấu hiệu tăng cao.

Vừa qua, Cục quản lý Dược Việt Nam cũng đã nhận được đơn từ 15 doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá 108 mặt hàng thuốc, chiếm 0.6% tổng số mặt hàng đang lưu hành trên thị trường. Trong đó, đơn của 11 doanh nghiệp đang được xem xét. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là giá nguyên liệu, vật liệu, chi phí vận chuyển tăng cao và việc kinh doanh bị ảnh hưởng do lạm phát.

Bị phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài

Theo các chuyên gia y tế thì việc tăng giá thuốc hàng năm là chuyện “thường ngày ở huyện” khi mà ngành dược trong nước đáp ứng chưa tới 60% nhu cầu và phải phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện tại, Việt Nam vẫn là thị trường dược hết sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài đăng ký hoạt động tăng cao sau một năm Việt Nam gia nhập WTO với 58 doanh nghiệp. Hiện có 370 doanh nghiệp nước ngoài đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm. Các quốc gia có số doanh nghiệp dược đăng ký hoạt động tại Việt Nam tăng cao là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan.

Cả nước đang có 46 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm, với tổng số vốn đăng ký là 268,76 triệu đô la Mỹ, trong đó có 25 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đăng ký là 111,6 triệu đô la Mỹ. Trong năm 2007, doanh thu sản xuất dược phẩm của các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 34,5% tổng doanh thu của các nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP (Good Manufacture Practice) và chiếm 29,7% tổng doanh thu thuốc sản xuất trong nước.

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới