Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đến lượt lo chống suy giảm kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến lượt lo chống suy giảm kinh tế

Tư Hoàng

Đến lượt lo chống suy giảm kinh tế
Ngân hàng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp được hay không mới quan trọng – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn chống suy giảm kinh tế sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm lãi suất gần đây.

Hơn nữa, những chỉ số kinh tế vĩ mô trong suốt quí 1 đầu năm nay đang cho thấy kinh tế đã bước vào giai đoạn trì trệ.

Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhận xét: “Kinh tế Việt Nam đã thực sự rơi vào đình đốn. Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà kinh tế chỉ tăng trưởng 4% thì đã rơi vào trì trệ”.

Minh chứng cho nhận định này, theo ông Thành, bao gồm tốc độ tăng tiêu dùng chỉ còn 4% là mức thấp nhất trong nhiều năm nay, tồn kho tăng cao kỷ lục, đầu tư tư nhân và FDI giảm mạnh, nhập siêu giảm kỷ lục,…

Trong khi đó, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia ,tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng âm 2,13% trong quí 1 năm nay. Tính thêm yếu tố giá thì tín dụng đã tăng trưởng âm 4,79% trong hai tháng đầu năm.

Báo cáo này nhận định, đây thực sự là tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh. Sau một thời gian dài nền kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, tình trạng khó khăn của thanh khoản trong nền kinh tế gia tăng là do nhiều doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn vay cho dù các ngân hàng đã cải thiện khả năng cung ứng vốn và lãi suất có xu hướng hạ xuống một cách chắc chắn.

“Có nghĩa là khi khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng bắt đầu được hóa giải thì dòng lưu chuyển vốn tiếp sức cấp cứu cho các doanh nghiệp vẫn bị cản trở mạnh mẽ. Nguyên nhân chính là ở sự đình trệ chứ không chỉ còn do lạm phát”, ông Thiên nói.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm đồng ý điểm này, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải vay tới mức 18-19%/năm dù lãi suất huy động đã giảm về mức 12%/năm.

Bộ phận phân tích của Ngân hàng ANZ cho rằng động thái giảm 1 điểm phần trăm lãi suất là bước đi khá bất ngờ, do vào tháng trước, Thống đốc NHNN đã nhận định lãi suất sẽ chỉ được cắt giảm khoảng 1 điểm phần trăm mỗi quí.

Có hai nguyên nhân được ANZ đưa ra. Thứ nhất, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay này có thể sẽ khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao và sẽ có thể gây khó khăn cho việc duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay.

Và thứ hai, lạm phát giảm gần đây chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm, trong khi đó giá cả của các mặt hàng phi thực phẩm/xăng dầu (chính) vẫn tương đối cao. Điều này cho thấy sức ép lên giá cả từ nhu cầu của người dân vẫn không dịu lại, mặc dù đã được giảm nhẹ do tăng trưởng chậm lại.

Câu hỏi đặt ra, NHNN liệu có thể làm điều gì tốt hơn, ngoài hạ lãi suất để đối phó những tín hiệu trì trệ của nền kinh tế?

Năm 2008, Việt Nam đã vất vả chống lạm phát. Đến năm 2009, nền kinh tế này lại hối hả chống suy giảm kinh tế. Rồi  suốt từ đó đến gần đây, Việt Nam lại phải kiên trì chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Và đến nay, có vẻ như Việt Nam lại bước vào giai đoạn để chống suy giảm kinh tế.

ADB khuyến nghị rằng, lạm phát năm nay có thể một con số, song có lẽ leo cao 11,5% vào năm sau. Dự báo đó gây nhiều lo ngại, khi NHNN cam kết tiếp tục giảm lãi suất nhằm kích thích kinh tế.

Ông Thiên nói: “đã xuất hiện xu hướng nguy hiểm, rất khó thoát ra mà nền kinh tế nước ta đang lâm vào. Đó là vòng xoáy đình trệ – lạm phát".

Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura cho rằng, hệ lụy của vòng xoáy chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt trong suốt năm năm qua là hệ lụy của đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, và đầu tư của nhà nước quá lớn nhưng không mang lại hiệu quả tương xứng.

“Đó chính là gốc rễ của vấn đề mà Việt Nam phải xử lý để thoát khỏi vòng xoáy đó”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới