Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dệt may, da giày đau đầu vì hợp đồng và giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dệt may, da giày đau đầu vì hợp đồng và giá

Công nhân ngành dệt may và da giày có bị cắt giảm tiếp hay không phụ thuộc vào các cuộc đàm phán hợp đồng mới của nhiều doanh nghiệp, hiện đang rất khó khăn. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày hiện chiếm khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu và sử dụng khoảng 2 triệu lao động trực tiếp. Vấn đề đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và duy trì việc làm trong bối cảnh khó khăn hiện nay đã được đặt ra tại buổi họp trực tuyến giữa Bộ Công Thương với đại diện nhiều doanh nghiệp trong ngành vào ngày 20-1.

Đau đầu với giảm giá hợp đồng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã bày tỏ nỗi lo của ông khi Chính phủ phải tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với doanh nghiệp hai ngành hàng xuất khẩu lớn ở cả ba miền vì đây là hai ngành đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động, trong lúc thất nghiệp đang có dấu hiệu tràn lan.

“Theo đăng ký mới nhất của ngành dệt may mà Bộ Công Thương trình thì kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm 2 tỉ đô la Mỹ so với con số đã trình trước đó. Và thực tế còn có thể tụt thấp hơn là dấu hiệu rất đáng ngại cho cán cân thương mại và giải quyết việc làm”, ông nói.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, kim ngạch xuất khẩu ngành ngành dệt may chỉ đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2008, dù tăng 16,5% nhưng chỉ đạt 95% kế hoạch (là 9,5 tỉ đô la).

Trước những khó khăn của thị trường, con số đăng ký xuất khẩu của dệt may 2009 cũng chỉ là mức 9,5 tỉ, tăng 5% so với con số thực hiện năm 2008. Thời điểm trước, họ dự tính đăng ký con số xuất khẩu năm 2009 khoảng 11 tỉ đô la Mỹ.

Phó Thủ tướng nói rằng, điều mà các doanh nghiệp cần bàn là cách gì để trực diện tháo gỡ khó khăn, giành được các hợp đồng lớn để con số 2 tỉ đô la không bị thâm hụt đi.

“Trong quá trình đàm phán, giá gia công giảm nhưng lượng hợp đồng có giành thêm được không?”, ông Hải đặt câu hỏi và nhận câu trả lời là những tiếng than khó của nhiều doanh nghiệp.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, theo lời kêu gọi của Chính phủ, đồng thời với việc tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp đã không nghĩ đến ăn tết, sớm có mặt tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản để đàm phán giá các hợp đồng mặc dù sự suy giảm ở các thị trường truyền thống này là rất rõ.

Có 6 đoàn của ngành dệt may đã xúc tiến vào thị trường Mỹ và đợi câu trả lời. Vinatex cũng muốn xúc tiến mạnh vào thị trường Nga (ước kim ngạch xuất khẩu được 1 tỉ đô la) thông qua hình thức gia công tại Việt Nam cho các thương hiệu lớn xuất qua đó. Tuy nhiên, Nga chưa gia nhập WTO nên bảo hộ dệt may rất lớn qua hình thức thuế nhập khẩu dệt may vào Nga là 20%.

Ông Ân hy vọng Chính phủ có cách đàm phán hiệp định song phương thế nào với bạn hàng lâu năm này để dệt may có thêm đơn hàng mới.

Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương Lê Hồng Khoa cho rằng, hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương cơ bản vẫn đảm bảo các hợp đồng đến hết quí 1, nhưng sau đó sẽ phải đối đầu với sự thiếu hụt nghiêm trọng.

“Khách hàng liên tục đòi giảm giá, vì thế ngay sau tết chúng tôi tiếp tục phải đi đàm phán giá”, ông nói và gợi ra một số lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đàm phán giá so với các doanh nghiệp gia công nước ngoài khác. Ví dụ như đối thủ trực tiếp là Bangladesh không thể đáp ứng về việc rút ngắn thời gian giao hàng như các doanh nhiệp Việt Nam hay nước ta gần vùng nguyên liệu dệt may (là Trung Quốc) nên có thể tiết kiệm được một số chi phí.

Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng xúc tiến thị trường mới không thể nhanh được bằng cách đàm phán với các khách hàng truyền thống nên bài toán xoay quanh giá đơn hàng vẫn là “cuộc chiến” giữa các bên đối tác. “Nếu cắt giảm được các chi phí xã hội như giãn, giảm thuế nhanh hay tạm chưa đóng phí bảo hiểm thất nghiệp thì có thêm được khả năng để tính toán giảm giá và nhận thêm hợp đồng”, ông nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu cục thuế các địa phương phải nhanh chóng thực hiện các thủ tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp xuất khẩu vì Chính phủ thực hiện biện pháp này chính là một cách giúp doanh nghiệp có thêm vốn lưu động, có lợi thế cạnh tranh với đối thủ để giành hợp đồng xuất khẩu nên ngành thuế không được làm khó doanh nghiệp. ·    

Giải bài toán việc làm cho người lao động

Trong nhiều cuộc họp gần đây với các cơ quan quản lý, ông Lê Quốc Ân đều đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ cho mỗi người lao động các ngành dệt may, da giày 2 tháng lương trợ cấp thất nghiệp để họ đi tìm việc mới và tạm thời chưa yêu cầu đóng phí bảo hiểm thất nghiệp để đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày TPHCM cho rằng, phía các doanh nghiệp da giày, người lao động mất việc chủ yếu ở khối các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp da giày Việt Nam dù rất khó khăn so với ngành dệt may do không còn được hưởng ưu đãi thuế quan và thuế chống bán phá giá vào EU nhưng mới chỉ giãn lao động, chưa cho nghỉ hàng loạt.

“Điều này khó giữ được qua năm 2009”, ông Kiệt cảnh báo và đề xuất gói kích cầu 17 ngàn tỉ đồng, chia ra cho số doanh nghiệp trong cả nước thì bình quân mỗi doanh nghiệp chưa được 2.000 đô la, không thấm vào đâu. “Chính sách nên ưu tiên hàng đầu về người lao động”, ông Kiệt đề nghị.

Hiệp hội Da giày Hải Phòng đã phải tính đến phương án hỗ trợ, liên kết nhau, doanh nghiệp này giúp doanh nghiệp kia giải bài toán chống thất nghiệp cho công nhân dù năng lực sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã sụt giảm 50% so với trước. Hiệp hội đề nghị, thông qua hình thức doanh nghiệp nào có được đơn hàng lớn thì các doanh nghiệp dồn tổng lực, nhân công cho doanh nghiệp đó rút ngắn thời gian giao hàng để đi tìm các hợp đồng mới về và tiếp tục cùng nhau chia sẻ.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới