Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dệt may đắt hàng  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dệt may đắt hàng  

Dệt may trong nước đã đắt hàng dù đang gặp một số khó khăn về lãi suất vay vốn ngân hàng, giá nguyên liệu tăng cao. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Trong khi xuất khẩu cả nước gặp nhiều khó khăn do “cơn bão giá”, tỷ giá ngoại hối và nhiều vướng mắc khác thì các doanh nghiệp ngành dệt may đã phần nào vượt qua được khó khăn và đang trở nên đắt khách hơn.

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp thành viên do Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek) tổ chức hôm 10-4, nhân Hội chợ triển lãm quốc tế Thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may lần thứ 18, nhiều doanh nghiệp đồng tình với nhận định: “Dệt may đã đắt khách, không còn lo lắng về đơn hàng nhập khẩu”.

Nhiều cơ hội vào thị trường Nhật  

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam và là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dệt may Việt Nam, ông Lê Quốc Ân cho biết có khả năng, trong tháng 5 hoặc 6 tới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt – Nhật sẽ được ký kết và lúc đó, hàng dệt may của Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường Nhật một cách mạnh mẽ hơn.  

Ông Ân tiết lộ, theo nội dung dự thảo hiệp định này, hàng dệt may Việt Nam nhập vào Nhật được đánh thuế 0%, thay vì 10% như lâu nay. Tất nhiên, để được hưởng thuế suất 0%, hàng dệt may Việt Nam phải tuân thủ điều kiện nghiêm ngặt là phải sử dụng nguyên liệu trong nước, hoặc nguyên liệu nhập từ Nhật hay từ các nước trong khối Asean.

“Rào cản này không lớn và điều này có nghĩa hàng dệt may Việt Nam có điều kiện cạnh tranh với hàng dệt may nhiều nước khác tại thị trường Nhật. Một trong ba thị trường chính của dệt may Việt Nam hiện nay là Mỹ, EU và Nhật”, ông Ân cho hay.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, ông cho rằng ngành dệt may trong nước có nhiều niềm vui bên cạnh nỗi buồn chung của các ngành hàng xuất khẩu. Cái vui đầu tiên mà ông thông báo tới các doanh nghiệp hội viên Agtek là “hiện nay gần như các doanh nghiệp không thiếu đơn hàng, có quá nhiều nhà nhập khẩu đặt mua hàng mà chỉ lo các doanh nghiệp không đủ sức làm”.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may trong nước ngồi lại với nhau, đoàn kết với nhau trong đàm phán về giá bán để đối phó với “cơn bão giá” trong nước đang làm tăng chi phí sản xuất. Trên thực tế, ông Ân cho biết có nhiều doanh nghiệp đã gây sức ép và bắt khách hàng phải tăng giá mua cho hợp lý.

Ông Hàn Phúc Sinh, Giám đốc Công ty may Maika ở quận Bình Tân, TPHCM, cho biết công ty của ông chuyên may gia công quần Jeans cho nước ngoài với giá gia công trước đây là 1 đô la Mỹ/chiếc, nhưng nay ông đã đàm phán tăng giá lên 1,2 – 1,3 đô la Mỹ và thậm chí còn tính tăng lên 1,5 đô la Mỹ/chiếc.  

Tương tự, ông Lưu Văn Thành, Giám đốc Công ty Hoàng Kim ở quận Tân Phú, TPHCM, chuyên may túi xách, ba lô, vali, cho biết là đã tăng được giá đơn hàng xuất khẩu lên 20 – 30%. Hiện tại Công ty Hoàng Kim sản xuất 100% hàng FOB (tức tự mua nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất và chào bán hàng) chứ không làm gia công, phải phụ thuộc vào nhà nhập khẩu như phần lớn hiện nay. Các doanh nghiệp dệt may làm hàng FOB luôn bán được giá cao và bớt phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Ngoài khách hàng truyền thống, công ty Hoàng Kim hiện nay còn mở rộng được thị trường sang Nhật mà theo lời ông Thành, các công ty Nhật này từng đặt hàng từ Trung Quốc nay chuyển sang Việt Nam dù Hiệp định tự do thương mại Việt – Nhật chưa được ký kết.

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong buổi gặp gỡ này đều có chung nhận định là đơn hàng nhập khẩu dệt may của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU đang chuyển dần từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Chỉ cần 5 hay 10% đơn hàng nhập khẩu dệt may từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam thì chúng ta làm quanh năm không hết, làm mệt nghỉ”, ông Thành nói và cho biết trước đây, mỗi tháng công ty ông chỉ xuất khẩu 1 hoặc 2 container hàng, nay dù khó khăn nhưng công ty lại xuất khẩu được 3 – 4 container mỗi tháng.

Hóa giải bài toán tăng chi phí và thiếu lao động  

Dệt may đã giải được bài toán tăng chi phí và thiếu lao động. Ảnh: TL.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Agtek, cho biết tình hình thiếu lao động và đình công của công nhân hiện nay tràn lan như một “dịch bệnh”, từ nhà máy này lây sang nhà máy khác và đây là nỗi buồn của ngành dệt may vốn sử dụng nhiều lao động. Chẳng hạn công ty Maika của ông Hàn Phúc Sinh trước đây có 1.000 công nhân, nay chỉ còn phân nửa nên không đủ sức đáp ứng các đơn hàng ngày một tăng của nước ngoài.

“Trước đây treo bảng tuyển 100 công nhân chỉ mất một ngày là tuyển đủ, nay tuyển một tháng chẳng có được công nhân nào; thậm chí có khi mới vào làm hôm trước, hôm sau họ xin nghỉ”, ông Sinh than thở.

Để hóa giải bài toán thiếu lao động và đình công của công nhân, ông Lưu Văn Thành cho biết, Công ty Hoàng Kim đã mua nhiều thiết bị dệt may tự động, chỉ cần một công nhân đứng máy nhưng có công suất bằng 10 người trước đây, đồng thời trả lương cao lên để giữ chân công nhân đứng máy còn trụ lại.

Sau Tết Nguyên đán, ông Thành đã tăng lương cho những người trụ lại lên 20% và tháng 4 này dự tính tăng thêm 20% nữa. “Trả lương cao và một người đảm nhận nhiều máy may tự động có hiệu quả hơn so với sử dụng nhiều công nhân với thiết bị bán tự động trước đây”, ông giải thích.

Hội chợ triển lãm quốc tế Thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may lần thứ 18 diễn ra tại Trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế TPHCM từ ngày 9 tới 12-4, với sự tham gia của 395 công ty đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội chợ có 550 gian hàng, trong đó có tới 493 gian hàng của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là hội chợ chuyên ngành, giới thiệu, quảng bá các thiết bị, công nghệ dệt may mới cũng như nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước vốn đang phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Không phải ngẫu nhiên, tại Hội chợ triển lãm quốc tế Thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may lần thứ 18 đang diễn ra tại TPHCM, theo Agtek, nhiều doanh nghiệp hội viên đã đăng ký mua các thiết bị, công nghệ mới mang tính tự động hóa cao nhằm giảm bớt áp lực thiếu hụt lao động trầm trọng hiện nay.  

Sau chuyện lao động, nỗi lo lớn thứ hai của ngành dệt may là giá cả nguyên phụ liệu đầu vào tăng, mặt bằng giá chung trong nước tăng đã làm tăng chi phí đầu vào. Theo ông Lê Quốc Ân, giá nguyên liệu dệt may nhập khẩu hiện đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đã tác động lớn tới sản xuất của ngành dệt may. Tuy nhiên, ông Ân cũng cho biết, tình cảnh này đã buộc các doanh nghiệp đàm phán tăng giá bán với khách hàng nước ngoài dù ai cũng biết là khó tăng theo kịp.

Nhưng Công ty Hoàng Kim của ông Thành lại có cách làm khá lạ. “Tôi đưa ra các chứng từ để chứng minh với các nhà nhập khẩu là giá nguyên liệu tăng và nói với họ, nếu các anh không tăng giá mua, tôi chỉ có nước nghỉ làm, cho công nhân nghỉ việc”, ông Thành kể và cho biết, khách hàng nước ngoài đành phải chấp nhận tăng giá mua và nói: “Nhà máy ông nghỉ làm thì tôi lấy hàng đâu để bán?!”.

Điều đáng mừng, theo ông Ân, quan hệ giữa các nhà xuất khẩu dệt may và hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nhiều dù lãi suất vẫn còn cao (12% – 15%), nhưng ông cho là ít ra vẫn còn chấp nhận được và lãi suất này sẽ sàng lọc các dự án hoặc hợp đồng xuất khẩu không có hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, việc hàng loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực thương mại, sản xuất và nguyên phụ liệu của ngành dệt may, sẽ phần nào giúp ngành dệt may trong nước chủ động được nguyên liệu.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới