Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dệt may nhắm xuất khẩu 28,5 tỉ đô la Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dệt may nhắm xuất khẩu 28,5 tỉ đô la Mỹ

Văn Nam

Dệt may nhắm xuất khẩu 28,5 tỉ đô la Mỹ
Ngành dệt may Việt Nam dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu 28,5 tỉ đô la Mỹ năm 2015 – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Ngành dệt may Việt Nam trong năm 2014 có sự tăng trưởng khá tốt về xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 24,5 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 16% so với năm 2013. Với điều kiện thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28 – 28,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015.

Điểm lại trong năm qua, xuất khẩu đi các thị trường truyền thống của ngành dệt may đều tăng trưởng tốt như thị trường Mỹ tăng 12,6%, Châu Âu tăng 16,9%, Nhật Bản tăng 8,8%, Hàn Quốc tăng 26,6%.

Trong đó, thị trường dẫn đầu là Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng khá với kim ngạch năm 2014 đạt 9,8 tỉ đô la Mỹ (tăng 12,6% so với năm 2013).

Theo một báo cáo ngày 31-12-2014 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong năm 2015 xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn nhắm vào các thị trường lớn nói trên với kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm 2014. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ ước đạt 11 tỉ đô la Mỹ và Châu Âu ước đạt 4 tỉ đô la Mỹ.

Nếu so sánh với các quốc gia khác cạnh tranh hàng dệt may trên thị trường Mỹ trong năm 2014 vừa qua, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số (12,6%) trong khi các quốc gia khác tăng nhẹ hoặc thậm chí tăng trưởng âm như Trung Quốc tăng chưa tới 1%, Ấn Độ tăng 6%, còn lại Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Campuchia tăng trưởng âm.

Đối với thị trường Châu Âu, dự báo trong năm 2015 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết thì tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc với kim ngạch 4 tỉ đô la Mỹ (năm 2013 đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ) với các sản phẩm chiếm tỉ trọng cao như áo jacket, quần nam nữ, áo hàng suit nam nữ.

Ngành dệt may có thể tăng gấp đôi về quy mô sản xuất trong 10 năm tới khi có được những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp dệt may không chuẩn bị tốt sẽ không theo kịp hội nhập, thậm chí bị loại khỏi cuộc chơi.

Tại một triển lãm dệt may tại TPHCM mới đây, ông Nguyễn Đình Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định thuận lợi sẽ đến với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – EU, Liên minh thuế quan Việt Nam, Belarus và Kazakhstan, Hiệp định TPP dự kiến được ký kết vào đầu năm 2015. Khi ấy, có khả năng Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về dệt may, với quy mô trong 10 năm tới dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

Tuy nhiên, ông Trường cũng cho rằng cơ hội đi liền thách thức, nếu doanh nghiệp không chuẩn bị tốt để cải tiến chất lượng ngay lúc này thì sẽ không bắt kịp sự thay đổi, thậm chí bị loại khỏi sân chơi.

Do vậy muốn hội nhập nhanh, cạnh tranh tốt thì các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất, chất lượng, tiến độ sản xuất và quan trọng nhất là giá cả cạnh tranh.

Theo các chuyên gia dệt may, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng để tận dụng lợi thế khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Trong đó, một số công ty Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc … đã bắt đầu có sự đầu tư lớn vào ngành dệt may tại Việt Nam kể từ đầu năm 2014 đến nay.

Xem thêm:

>> Dệt may: Cơ hội nhiều nhưng "cuộc chơi" vẫn khắc nghiệt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới