Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dệt may về tỉnh – lao động vẫn biến động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dệt may về tỉnh – lao động vẫn biến động

Công nhân đang làm việc tại Công ty may Thuận Tiến, tỉnh Bình Thuận – Ảnh: Công ty may Thuận Tiến cung cấp.

(TBKTSG Online) – Một số công ty dệt may vì muốn giải quyết sự khan hiếm lao động tại TPHCM, nên đã chuyển nhà máy sản xuất ra các tỉnh để sử dụng nguồn lao động tại chỗ. Nhưng hiện nay, tình hình biến động lao động lại đang xảy ra tại các nhà máy đã chuyển về tỉnh.

Lao động vẫn biến động  

Đi đầu trong mô hình này là Tổng công ty May Việt Tiến, Tổng công ty Dệt Phong Phú, Công ty may Nhà Bè, công ty may Hòa Bình.

Công ty may Nhà Bè có đến 21 nhà máy và đơn vị liên doanh tại các tỉnh như Kon Tum, Bình Định, An Giang, Bình Thuận… với 12.000 lao động, chủ yếu ở các tỉnh.

Nói về vấn đề biến động lao động tại các tỉnh, ông Tuấn Nguyên Nghị, Giám đốc điều hành Công ty may Nhà Bè cho biết “Việc giữ lao động bây giờ không còn dễ dàng như trước, nhất là tại các khu vực có nhiều nhà máy, chúng tôi đang chú trọng việc mở nhà máy ở những nơi ít có cạnh tranh lao động hơn, chứ về tỉnh mà lao động cũng biến động thì khó cho ngành may quá!”.

Ông Ngô Văn  Kha, phó giám đốc Công ty may Công Tiến tại Gò Công – một công ty con của Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, nói rằng trong giai đoạn tuyển dụng lao động khi mới thành lập vào năm 2007, số hồ sơ nộp vào trên 1000. Khi đó, do chỉ cần khoảng 800 người nên doanh nghiệp phải từ chối bớt. Vậy nhưng chỉ sau một năm hoạt động, lao động vào ra liên tục, nên công ty luôn trong tình trạng thiếu lao động và luôn phải đăng thông báo tuyển người.

Một thành viên khác của Việt Tiến là Công ty cổ phần may Vĩnh Tiến đặt tại thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Từ một xí nghiệp nhỏ với hơn 50 công nhân vào năm 2002, đến nay Vĩnh Tiến đã có 950 lao động với công suất thiết kế hơn 150.000 sản phẩm quy chuẩn sơ mi/tháng. Mức lương trung bình của công nhân là 1.350.000 đồng/tháng. Một mức khá cao so với các công ty khác trong tỉnh (mức lương trung bình khoảng  trên dưới 1 triệu đồng/tháng).

Từ đầu năm đến nay, lao động của Vĩnh Tiến liên tục biến động, theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, phụ trách phòng lao động của công ty thì mấy tháng gần đây, trung bình mỗi tháng có 50 công nhân xin nghỉ việc. Trong khi đó, việc tuyển dụng rất khó khăn, mỗi tháng chỉ tuyển được khoảng 30 công nhân mới, nhưng thường thì sau khi học việc khoảng một tháng là con số này không còn bao nhiêu.

Nghỉ do lương thấp

Khi hỏi vì sao có sự biến động này thì bà Hường khẳng định việc nghỉ việc của công nhân là do từ sau Tết đến giờ khi giá cả tăng cao thì mức lương chưa đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống. “Nếu so với tiền công gặt lúa mướn mỗi ngày khoảng 70 ngàn đồng thì một tháng người lao động cũng thu được khoảng 2 triệu đồng, so với mức lương 1,3 triệu/tháng của công nhân thì khó mà giữ được chân họ.”  

Mức lương bình quân của công nhân tại các nhà máy ở tỉnh của Tổng công ty May Việt Tiến và Công ty may Nhà Bè là 1-1,5 triệu đồng/tháng. “Muốn tăng lương cho công nhân cũng khó, vì tay nghề yếu, thao tác chậm, rồi hàng bị tái chế nhiều, mà doanh nghiệp còn rất nhiều khoản chi phí khác nên tăng lương nữa  thì không có lợi nhuận”, bà Hường bộc bạch.  

Theo bà Mộng Huyền, phụ trách nhân sự của Công ty may Thuận Tiến, tại Bình Thuận thì công nhân thường chuyển đổi liên tục từ công ty này sang công ty khác trong khu công nghiệp Phan Thiết. Ví dụ, công nhân thấy lương cao thì nộp đơn vào, làm vài bữa, thấy gò bó, lại đi, đến công ty khác không có hàng, lại quay về. “Không nhận thì không có lao động, nhưng nhận rồi mà cứ nghỉ thế này thì rất khó cho công ty”, bà Huyền nói.

Còn tại một số xí nghiệp may của Nhà Bè tại các tỉnh, theo ông Nghị thì do thời gian lao động quá dài và mức lương lao động tại tỉnh còn thấp nên các xí nghiệp của công ty luôn đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Nghỉ vì thói quen “nhà nông”

Cứ vào vụ, như lúc này đang là vụ hè thu thì việc biến động lao động như một việc quen thuộc. Một số công nhân đã về nhà nghỉ để phụ gia đình gặt lúa, hay làm các việc cần thiết cho mùa thu hoạch. Sau khi hết vụ mùa thì lại trở vào nhà máy tiếp tục làm việc. Những người điều hành nhà máy cũng đã hiểu rõ điều này và phải chấp nhận vì đó là đặc thù của các vùng nông thôn. 

“Không chỉ ngày mùa, ngày thường, có công nhân nghỉ mà không xin nghỉ phép, thích nghỉ là nghỉ thôi, sau khi vào làm trở lại thì giải thích vì nhà có giỗ, hay cưới hỏi, hay không có ai coi nhà nên không đi làm được. Nghe có vẻ buồn cười nhưng có thật, doanh nghiệp cũng không thể chấm dứt hợp đồng với họ được, vì sẽ không có người làm”. Đặc thù của “công nhân-nông dân” là thế”, ông Ngô Văn Kha, phó giám đốc Công ty cổ phần may Công Tiến tại Gò Công, tâm sự.

Thêm vào đó những thói quen phải làm việc trong nhà máy với thời gian quá nhiều cũng làm công nhân cảm thấy mệt mỏi, thói quen “nhà nông” khiến họ cảm thấy bức bối khi làm việc dưới cách quản lý công nghiệp, một ngày làm mấy tiếng, nghỉ phải xin phép, vô trễ bị trừ lương. Theo bà Huyền thì có công nhân viết đơn xin nghỉ để phụ làm vườn, hay phụ việc đồng áng cho gia đình. Sự thực thì công nhân cảm thấy gò bó và muốn nghỉ việc vì với họ việc đi làm ngành may chỉ là biện pháp phụ để tăng thu nhập, nếu không có thì họ vẫn bám ruộng, bám vườn.

Nói về vấn đề chuyển hoạt động sản xuất về tỉnh, một lãnh đạo của Tổng công ty may Việt Tiến cho biết  tình trạng lao động dù cho đã chuyển về tỉnh cũng biến động và đây là một khó khăn lớn đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng cao cũng góp phần làm cho mô hình này chưa thực sự mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt cho doanh nghiệp như mong đợi.

THANH THƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới