Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi bụi sang Myanmar

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi bụi sang Myanmar

Nguyễn Đức Quỳnh Dung

Myanmar được ví như xứ sở của đền chùa với kiến trúc rất độc đáo.

(TBKTSG Online) – Từ những chuyến đi trước đây, nghe những tay đi bụi châu Âu và Mỹ nói rằng Myanmar là đất nước xinh đẹp nhất Đông Nam Á, tự ái dân tộc nổi lên, tôi quyết tâm đến đó một lần cho biết và cũng để xem Myanmar có thật sự đẹp như vậy không.

Tìm đường

Ở Sài Gòn, xin visa đi Myanmar thì đến số 50 Sầm Sơn, phường 4, quận Tân Bình. Chi phí là 35 đô la Mỹ, thời gian là 7 ngày làm việc. Tôi nộp đơn vào thứ Hai thì đến thứ Tư tuần sau mới có visa. Thực sự, khoản phí làm một visa chỉ 20 đô nhưng phải trả thêm 15 đô là cước phí chuyển hồ sơ từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Sau này tôi mới biết, nếu xin visa ở Bangkok chỉ tốn khoảng 25 đô la Mỹ. Vì vậy, lần sau có đi Myanmar tôi sẽ sang Bangkok xin thị thực nhập cảnh, bởi vì dù gì thì tôi cũng sẽ bay từ Bangkok, vì bay từ đó rẻ hơn bay trực tiếp từ Việt Nam nhiều, dù lúc đó Vietnam Airlines đang có khuyến mãi.

Visa Myanmar có hiệu lực đến 3 tháng kể từ ngày cấp nhưng thời gian ở tại Myanmar chỉ có 28 ngày thôi, tính từ ngày đầu tiên đặt chân vào đất nước này. Kể cũng hơi ít, bởi vì tôi muốn ở lâu hơn.

Sau vụ visa, tôi tính chuyện mua vé máy bay. Vé một chiều khuyến mãi Bangkok – Yangon của Air Asia giá 1.290 baht + phí sân bay 700 + phí dịch vụ 90 + convenience fee 50. Cộng thành 2.130 baht. Nếu có hành lý ký gửi thì phải đóng thêm 200 baht cho 15kg và 300 cho 20kg. Dự định ban đầu của tôi là mua vé máy bay một chiều thôi, bởi vì tôi muốn ở Myanmar càng lâu càng tốt, sau khi nghe nói có thể gia hạn visa thêm hai tuần. Khi nào gia hạn được rồi, tôi sẽ mua vé khứ hồi sau.

Tuy nhiên, sau khi suy đi tính lại thấy làm như thế giống “Dế mèn phiêu lưu ký” quá, bởi vì muốn vào và ra khỏi Myanmar thì chỉ có cách bay thôi, không thể đi bằng đường bộ như ở các nước khác. Ngoài ra, ở Myanmar, mọi thủ tục khó khăn hơn, mạng internet lại không dễ vào. Nếu ở quá hạn visa và không thể gia hạn thì có thể gặp rắc rối. Vì thế, tôi đã mua vé khứ hồi Bangkok – Yangon luôn.

Có vé máy bay khứ hồi và visa trong tay, tôi xách ba lô lên đường. Như mọi khi, từ Sài Gòn tôi sang Phnom Pênh, sau đó Siêm Riệp, và cuối cùng là Bangkok bằng đường bộ, một con đường mà tôi đã quá rành cách đi từ những lần đi bụi trước. Từ đó, tôi bay sang Yangon.

Huyền ảo đêm Yangon.

Đêm đầu tiên tại Myanmar

Từ Bangkok sang Yangon chỉ mất 80 phút bay. Nếu bay với Air Asia từ Bangkok, hành khách cần chuẩn bị tiền để mua thức ăn và nước uống hoặc là chuẩn bị… chịu khát trên máy bay, bởi đây là hãng máy bay giá rẻ nên chẳng có gì là miễn phí hết.

Khi đến sân bay quốc tế Yangon, tôi bị những tài xế taxi vây quanh và họ ra giá cuốc taxi về khu trung tâm là 8 đô la Mỹ. Tôi nghĩ mình có thể trả giá 5 hoặc 6 đô và kiếm người đi cùng để chia bớt nhưng những du khách khác đều đăng ký tour nên họ có xe đến đón.

Tôi đi loanh quanh kiếm người thì thấy một người Nhật vừa bước ra cửa, cũng bị đám taxi vây quanh. Thế là tôi tiến đến hỏi, có phải anh đón taxi về thành phố không, với ý định rủ đi cùng để chia tiền cước. Anh ta nhìn tôi từ trên xuống dưới với vẻ cảnh giác và… xích ra xa.

Trời, đi bụi mà không biết vụ share taxi sao (?!), tôi nghĩ bụng, mình ăn mặc kín đáo, đâu có giống gái mại dâm tí nào! Dù hơi bực mình nhưng tôi vẫn kiên nhẫn hỏi lại: “Có phải anh cần đón taxi về thành phố không?”. Lần này thì anh ta lộ rõ vẻ sợ hãi và vội vàng bỏ đi.

Tôi trở vào bên trong thì một người Myanmar bước đến hỏi, có phải tôi muốn tìm người cùng đi để chia tiền trả taxi không. Tôi gật đầu. Anh ta cho biết, Motherland Inn 2 có xe đưa khách về trung tâm miễn phí. Tôi thấy nhà khách này được giới thiệu ở Lonely Planet, giá phòng là 7-10 đô la Mỹ.

Khu trung tâm thành phố Yangon.

Tôi bước đến chỗ chiếc xe đón khách hỏi thăm. Thì ra thông tin của Lonely Planet 2009 lạc hậu quá. Thực ra giá phòng ở Motherland Inn 2 mắc hơn nhiều; giá thấp nhất cho phòng đơn, quạt máy, toilet và nhà tắm bên ngoài đã là 10 đô rồi. Thấy trời đã gần 7 giờ tối rồi nên chấp nhận luôn. Có gì về đến trung tâm thì xách ba lô đi qua chỗ khác hỏi giá sau vậy.

Lúc đó, chúng tôi chờ thêm hai khách nữa thì khởi hành. Có tổng cộng năm người, tính luôn cả tôi và hai tiếp tân cùng một lái xe người Myanmar. Những người Myanmar này rất dễ thương. Vì thế tôi quyết định ở lại Motherland Inn 2 ít nhất một đêm. Chúng tôi đi khoảng 30 phút thì đến nơi.

Không tin nổi, khi xe vừa đến thì một đám trẻ người Myanmar từ trong nhà trọ ùa ra xách balô cho chúng tôi. Lúc đó tôi không có tiền kyat để boa, boa bằng đô la thì nhiều quá nên định giành lại chiếc túi của mình để tự xách nhưng không tranh được với mấy đứa trẻ này. Những du khách khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười. Đúng là buồn cười thật khi những du khách cao to, dân chuyên đi bụi, thì lại đi tay không còn những đứa trẻ thì lại khuân vác đồ.

Nhà trọ Motherland Inn 2.

Vào đến nơi, chúng tôi được tiếp đón bằng nụ cười của các cô gái tiếp tân và mỗi du khách được mời một ly nước chanh mát rượi. Đã khát quá sau hơn một tiếng đồng hồ trên máy bay của Air Asia chẳng ăn uống gì (vì mọi thứ đều phải mua). Nhớ đến Lonely Planet (*) có đề cập đến dorm (phòng nhiều giường dành cho khách ba lô) ở đây; vì vậy tôi đi một vòng để tìm giá cho dorm.

Một cô tiếp tân tiến đến hỏi tôi đã từng ở đây rồi sao. Tôi nói chưa bao giờ vì đây là lần đầu tôi đến Myanmar. Cô tiếp tân này giới thiệu giá phòng cho tôi. Tôi hỏi giá dorm. Cô này nói 8 đô/đêm. Đây là giá dorm mắc nhất mà tôi từng ở trong khu vực Đông Nam Á. Thấy trời tối và xung quanh vắng vẻ (do nơi này ở xa trung tâm khoảng 2 cây số) nên tôi đồng ý luôn. Cô tiếp tân làm thủ tục check-in cho tôi và lấy chìa khoá mở dorm.

Quá rẻ, tôi trả 8 đô la cho một phòng trọ rộng rãi dành cho 7 người. Nhưng khi bước chân vào dorm, tôi có cảm giác rờn rợn bởi vì phòng to mà lại không có ai ở hết. Có tổng cộng 7 giường. Mỗi giường đều trải drap giống nhau và drap đều trùm lên gối có bao màu trắng trông như ở bệnh viện ấy. Thấy cũng sợ nhưng nghĩ ngay bên ngoài cửa có nhân viên bảo vệ ở nên tôi yên tâm.

Thu xếp xong xuôi, tôi lên giường nhưng không ngủ được nên lấy tấm bản đồ Yangon vừa xin ở sân bay ra “ngâm cứu” một lát rồi ngủ thiếp đi và không tắt đèn. Đến khoảng 1g30, không ngủ được nữa nên tôi lấy sách Lonely Planet ra đọc, vừa đọc vừa ngủ lơ mơ, chập chờn đến khoảng 3g sáng thì dậy luôn.

Bước ra ngoài tôi thấy nhân viên nhà bếp đang chuẩn bị thức ăn bữa sáng cho khách (ở Myanmar, các guesthouse luôn có ăn sáng miễn phí cho khách). Tôi vào “tám” vài câu và xin bình nước nóng. Sau đó, tôi đánh răng rửa mặt, dự định khoảng 5g khi trời sáng thì sẽ đi bộ ra Sule Paya vừa ngắm cảnh vừa tìm chỗ trọ rẻ hơn. Thế là kết thúc đêm đầu tiên của tôi trên đất nước Myanmar.

__________________________________________________

(*) Lonely Planet là một hãng chuyên kinh doanh thông tin du lịch và hàng lưu niệm; ngoài trang web nổi tiếng, họ đã xuất bản 500 đầu sách hướng dẫn du lịch đến 195 quốc gia trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới