Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm chiến lược tối ưu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm chiến lược tối ưu

Sau nhiều năm tiếp nhận đầu tư nước ngoài và được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, nhưng đến nay ngành ô tô Việt Nam vẫn chưa phát triển được – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Như bất cứ nước đang phát triển nào có chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam trông đợi ở FDI ở các yếu tố: nguồn vốn, thị trường, công nghệ, năng lực quản lý và dựa vào đó để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

>> Xác định lại lợi thế

>> Ba hạn chế cần khắc phục  

Về phần mình, khi lựa chọn nơi đầu tư, các nhà đầu tư cũng có những mục tiêu riêng. Quan trọng nhất là đạt được lợi nhuận cao hơn ở nơi khác. Vì vậy, họ rất chú ý tới những lợi thế của nơi thu hút đầu tư nhằm giảm tối đa chi phí và tăng tối đa lợi nhuận. Thông thường đó là lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên và các chính sách ưu đãi của nước chủ nhà. Trong khi đó, các nước thu hút đầu tư, do yêu cầu bức bách về vốn, tìm mọi cách để thu hút càng nhiều FDI càng tốt, thậm chí phải chấp nhận một số bất lợi.

Khi nhu cầu về vốn trên thế giới tăng mạnh, nhất là một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ cần thu hút FDI, đã xảy ra cạnh tranh khốc liệt giữa các nước thu hút đầu tư. Nước nào cũng muốn chứng tỏ với nhà đầu tư rằng vào nước mình họ sẽ được lợi hơn.

Trong cuộc cạnh tranh vốn đó, các nước liên tục sửa đổi luật đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, liên tục đưa ra các chính sách có lợi hơn cho nhà đầu tư. Trong thực tế họ đã “tự bắn vào chân mình”, tự làm suy yếu vị thế mặc cả của mình, thậm chí chấp nhận hy sinh một phần môi trường thiên nhiên, hạ giá lao động, giá đất xuống thấp hơn nước láng giềng.

Các nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ hội lựa chọn. Những cam kết ban đầu của họ về “nội địa hóa”, về môi trường, về công nghệ dần dần được nới lỏng. Vì mục tiêu lợi nhuận, họ không ngần ngại nhập vào nước chủ nhà các dây chuyền sản xuất lạc hậu, các công nghệ không thân thiện với môi trường.

Sau một thời gian, khi nhu cầu về vốn ở một số nước đã bớt căng thẳng, đồng thời tác động xấu về môi trường vì công nghệ lạc hậu và công nghệ bẩn ngày càng hiển nhiên, một số nước nhận thấy cái giá phải trả và bắt đầu chọn lọc hơn trong thu hút FDI, loại dần các dự án có tác hại đến môi trường.

Trong khi đó, tại các nước công nghiệp phát triển, các dự án bị coi là “bẩn” bị cấm, các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm bị đóng cửa. Các nhà đầu tư lại phải tìm nơi mới cho các nhà máy của mình. Thế là một số nước khác kém phát triển hơn, hoặc kém khôn ngoan hơn, lại hân hoan chào đón các dự án đó.

Khi đi tìm địa điểm đầu tư mới, các nhà đầu tư không quên nhằm vào thị trường nội địa tiềm tàng của nước chủ nhà. Nhìn vào ngành công nghiệp ô tô của nước ta sẽ thấy điều này rất rõ. Hơn một chục hãng sản xuất ô tô hàng đầu trên thế giới chia sẻ một thị trường Việt Nam bé nhỏ.

Hiệu quả FDI tại Việt Nam

Để đánh giá được phần nào tác động của FDI đối với quá trình phát triển của Việt Nam, chúng ta nên xem xét từng tiêu chí của việc thu hút FDI đã nêu ở trên. Thứ nhất, về vốn. Có lẽ chúng ta đã rất thành công trong mục tiêu này. Từ chỗ không được các nhà đầu tư nước ngoài biết đến, sau hơn 20 năm Việt Nam đã thu hút được lượng FDI đáng kể, và nguồn vốn này đã đóng góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế trong những năm đầu khó khăn, và trong quá trình phát triển vừa qua.

Trong khi tạo thêm việc làm qua các dự án FDI, ta lại vô tình làm mất đi việc làm và phương tiện sinh sống của cộng đồng khác là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất cho các khu công nghiệp, và thêm một nhóm cộng đồng nữa ở một số nơi môi trường bị hủy hoại.

Thứ hai, về thị trường. Giá trị khối lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khoảng 25 tỉ đô la/năm, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đó là một con số rất ấn tượng. Nhờ các doanh nghiệp này mà hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới. Tuy các sản phẩm này không phải là của Việt Nam, nhưng những đôi giày, sản phẩm may mặc có dán nhãn “Made in Vietnam” đã được người dân ở London, Paris, New York, Sydney… biết đến.

Tuy nhiên, niềm vui của chúng ta còn rất hạn chế, vì trong số 25 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu hàng năm, Việt Nam chỉ được hưởng một phần vô cùng nhỏ bé trong khoản giá trị gia tăng: đó là tiền thù lao cho phần gia công mà phía Việt Nam đã thực hiện!

Thị trường nước ngoài vẫn trong tay các công ty nước ngoài, người Việt không thể tiếp cận được. Tất cả các sản phẩm đều mang nhãn hiệu nước ngoài. Dòng chữ “Made in Vietnam” khiêm tốn dán bên trong đôi giày có lẽ mang nhiều ý nghĩa an ủi, chứ không phải như dòng chữ hiên ngang “Made in Japan” của các sản phẩm Nhật Bản.

Về công nghệ. Quá trình chuyển giao công nghệ được mong đợi có vẻ chưa diễn ra. Sau hai thập kỷ, các xí nghiệp công nghệ cao như điện tử, ô tô, xe máy có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là các cơ sở gia công lắp ráp và nhiều sản phẩm được tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu trực tiếp. Các xí nghiệp may mặc, giày dép cũng dừng ở mức gia công xuất khẩu. Hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) vẫn được thực hiện ở nước ngoài.

Về quản lý. Có lẽ đây là lĩnh vực chúng ta gặt hái được nhiều hơn các lĩnh vực kia. Với sự nhanh nhạy, chịu khó học hỏi, và bản tính cần cù, nhân viên Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài đã nhanh chóng tiếp thu được kiến thức quản lý mới, góp phần không nhỏ vào quá trình nâng cao trình độ quản lý chung của người Việt Nam ở trong nước.

Chưa phải tối ưu

Tuy nhiên, quản lý đầu tư nước ngoài đã bộc lộ một số hạn chế, thể hiện trong các mặt sau đây.

Trước hết, công tác quy hoạch chưa phát huy được vai trò định hướng phát triển. Vì quá chú trọng số lượng, quy hoạch vùng, và ngành đều không rõ nét. Hình như có tâm lý chỉ cần nhiều đầu tư rót vào trong nước, bất kể ở đâu, trong ngành nào. Vì thế xảy ra tình trạng như ngành ô tô có tới hơn mười công ty lớn chen chúc trong thị trường mà sức mua còn quá khiêm tốn. Lộ trình phát triển của ngành cũng không rõ.

Vì vậy sau gần hai mươi năm được Nhà nước bảo hộ mạnh mẽ và triền miên, ngành ô tô của Việt Nam vẫn không phát triển được bao nhiêu; lại còn được mặc sức bắt chẹt người tiêu dùng trong nước. Thậm chí công nghiệp phụ trợ của ngành này cũng không khá hơn. Các nhà sản xuất vẫn phải nhập linh kiện từ nước họ.

Việt Nam đã mất đi cơ hội quý giá để phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ sở cho công nghiệp trong nước và tạo việc làm. Ở Mỹ, vào thời kỳ thịnh vượng nhất của ngành công nghiệp ô tô, cứ bảy lao động trong xã hội thì có một người liên quan đến ngành ô tô.

Khi việc xét duyệt đầu tư nước ngoài được phân cấp cho địa phương, đã xảy ra tình trạng xây dựng khu công nghiệp tràn lan. Các địa phương cạnh tranh với nhau thu hút đầu tư nước ngoài, làm cho vị thế đàm phán của chúng ta càng kém hơn nữa. Các tỉnh đua nhau “phá rào” về chính sách thuế, phá giá đất đai, lao động, châm chước các tiêu chuẩn về môi trường… nhằm kéo nhà đầu tư về địa phương mình.

Đã có lúc Chính phủ phải ra chỉ thị chấn chỉnh việc này. Cũng vì xây dựng tràn lan, nhiều khu công nghiệp không thể lấp đầy, thậm chí gần như trống không, gây lãng phí về nguồn lực, nhất là đất đai, trong khi nông dân ở khu vực đó không còn đất canh tác.

Tiếp theo, việc lựa chọn nhà đầu tư và dự án cũng có nhiều hạn chế. Gần đây, dư luận đã lên tiếng về nhiều dự án không phù hợp.

Một bất cập nữa trong công tác quản lý đầu tư nước ngoài thể hiện trong khâu thẩm định, xét duyệt cấp phép, trong quản lý các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tuân thủ luật pháp Việt Nam, nhất là về môi trường và lao động. Do đó đã dẫn đến tình trạng một số dự án không thể triển khai vì nhà đầu tư không đủ năng lực, đất đai bị “găm” trong các dự án “ảo” nhiều năm, gây lãng phí lớn.

Nghiêm trọng nhất là vấn đề môi trường, một số dự án như Vedan, Miwon… thời gian qua đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài về môi trường sinh thái mà các phương tiện thông tin đại chúng đã tốn nhiều giấy mực.

Tóm lại, sau hai mươi năm thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã đạt được thành tựu nhất định, thu hút lượng đầu tư đáng kể. Song, chúng ta chưa tận dụng được đầu tư nước ngoài để xây dựng nền tảng công nghiệp của mình, chưa chuyển hóa được những lợi ích của FDI thành sức mạnh kinh tế của đất nước. Nhìn chung, đầu tư nước ngoài chưa có tác động lan tỏa, chưa góp phần xứng đáng vào sự phát triển bền vững của đất nước và làm thay đổi “về chất” nền công nghiệp Việt Nam.

Ta chỉ mới dừng ở mức cung cấp lao động giá rẻ cho hoạt động gia công và cho thuê mặt bằng là chính. Trong khi tạo thêm việc làm qua các dự án FDI, ta lại vô tình làm mất đi việc làm và phương tiện sinh sống của cộng đồng khác là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất cho các khu công nghiệp, và thêm một nhóm cộng đồng nữa ở một số nơi môi trường bị hủy hoại.

Việt Nam có chính sách ưu tiên thu hút lao động địa phương ở nơi xây dựng khu công nghiệp; song trong thực tế chính sách này không phát huy được tác dụng nhiều lắm, bởi không phải ai cũng có thể vào làm việc tại các nhà máy.

Vấn đề nông dân mất đất do công nghiệp hóa đang là một thực trạng phải giải quyết. Quá trình công nghiệp hóa, nhất là công nghiệp hóa nông thôn, quá trình phát triển vùng sâu, vùng xa cũng không thấy sự đóng góp đáng kể nào của FDI.

Một câu hỏi có thể đặt ra là nếu sau này các nhà đầu tư nước ngoài rút về nước do tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và khủng hoảng ở nước họ, một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, thì chúng ta sẽ còn lại những gì? Liệu chúng ta có thể duy trì hoạt động của các cơ sở này ở mức độ nào đó nhằm duy trì việc làm cho người lao động, bảo đảm ổn định xã hội?

Sau hai thập kỷ thu hút và quản lý vốn FDI, chúng ta đã hiểu ra rất nhiều và đã có được những bài học kinh nghiệm thực tiễn của chính chúng ta, chứ không phải tiếp thu từ những nước đi trước.

Có lẽ nên tiến hành phân tích, đánh giá lĩnh vực này một cách toàn diện, thực sự khách quan, khoa học, và cầu thị, để có thể làm tốt hơn trong thời gian tới, để FDI phục vụ hiệu quả hơn, hài hòa hơn quyền lợi của cả nước chủ nhà và của nhà đầu tư, chứ không nên quá chú trọng vào con số vốn đầu tư nước ngoài thu hút được.

ĐẶNG THẾ TRUYỀN – Canberra, Úc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới