Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm giá thành điện: quá khó!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm giá thành điện: quá khó!

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Việc tăng giá điện để hạn chế dần việc bù lỗ, bao cấp tràn lan của Nhà nước dần được người dân và doanh nghiệp chấp nhận như một sự tất yếu của cơ chế thị trường. Vấn đề là trong lúc các nhà quản lý quan tâm quá nhiều đến chuyện mức tăng giá và lỗ lã kéo dài của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì người mua điện cũng không thấy hài lòng về sự thiếu minh bạch của giá thành điện.

Tăng đầu ra nhưng không ổn định được đầu vào

Trao đổi với TBKTSG về phát triển thị trường điện, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) Tạ Văn Hường đề cập đến hai tiêu chí để tạo ra một thị trường cạnh tranh. Đó là nhà đầu tư đưa ra được giá điện rẻ nhất cho người tiêu dùng và đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định và an toàn. “Đây là hai điều kiện sống còn và có giá trị như nhau khi tái cơ cấu thị trường điện”, ông Hường nhấn mạnh.

Theo lộ trình gồm bốn giai đoạn mà Nhà nước đặt ra cho thị trường điện thì việc bán lẻ điện cạnh tranh (theo tiêu chí đầu tiên) sẽ đến rất muộn: từ năm 2020 trở đi khi mà các giai đoạn thiết kế thị trường nền trước đó (phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh) hoàn tất. Do vậy, trước mắt, phải thiết lập được một thị trường điện có hệ thống vận hành ổn định và an toàn. Đó là cơ sở thuyết phục người tiêu dùng có giá trị nhất cho mỗi lần tăng giá. Tình hình một vài năm gần đây, đi kèm với thông báo tăng giá điện là thông báo từ EVN về việc thiếu điện. Hai sức ép cùng lúc gây áp lực cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nặng nề hơn.

“Quan trọng nhất bây giờ là Nhà nước phải kiểm soát được lộ trình đặt ra. Nếu không kiểm soát được khâu nào đó trong lộ trình thì thị trường bị ảnh hưởng rất lớn và thiếu tính an toàn”, ông Hường nói.

Năm 2010, sản lượng điện mùa khô bị thiếu chừng 1,4 tỉ kWh. Ước tính năm 2011, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, mức thiếu hụt này khoảng 2,08 tỉ kWh. Nếu tốc độ tăng nhu cầu thấp hơn dự tính, khoảng 12,9% thì vẫn còn thiếu khoảng 1,7 tỉ kWh.

Ngay từ mùa khô năm 2010, khi tình hình thiếu điện đã trở nên trầm trọng, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ, chỉ ra năm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân đáng chú ý nhất là cơ chế chỉ huy điều hành để đưa các dự án mới vào vận hành là kém hiệu quả. Bộ Công Thương quản lý về tiến độ của Tổng sơ đồ VI nói chung nhưng vì nhiều lý do, không phải là chỉ huy thực sự của các chủ đầu tư nên không thể can thiệp vào tiến độ các dự án. Tình trạng này đến nay vẫn không có gì thay đổi nên các cơ quan quản lý lại làm thay việc của chủ đầu tư là thông báo việc chậm tiến độ và thiếu sản lượng đến người tiêu dùng.

Mặt khác, trong báo cáo các giải pháp triển khai kế hoạch năm 2011, EVN thừa nhận, nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện không chỉ do giá điện thấp. Việc sử dụng điện còn lãng phí ở quy mô lớn, ước tính từ 15-20%, tương đương 1.500-2.800 MW, hàng năm gây sức ép lên nguồn cung. Chính phủ cũng không có cơ chế gây sức ép hiệu quả với các nhà sản xuất trong việc thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao. Hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/GDP (tốc độ tăng nhu cầu năng lượng/tốc độ tăng GDP) ở Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (năm 2008 là 2,02; 2009 là 2,42 và 2010 là 2,0).

Minh bạch chi phí đầu vào

Tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương vào cuối tuần qua ở Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Việc điều chỉnh giá điện lần này chủ yếu để bù đắp các chi phí đầu vào được chuyển vào giá điện (như tăng giá than và giá khí cho phát điện), giảm một phần lỗ cho doanh nghiệp chứ không phải tăng giá để đầu tư cho hệ thống”.

Như vậy, việc tăng giá điện nhằm đảm bảo sản lượng điện cần thiết vẫn là câu chuyện rất xa. Vấn đề là để chia sẻ khó khăn thực sự với ngành điện, những người mua điện cũng cần biết được chi phí đầu vào cho sản xuất, phân phối, truyền tải và phát điện lỗ đến đâu, ở những khâu nào. Lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN chưa có câu trả lời đó vì cho rằng chưa có kết quả kiểm toán. Tuy nhiên, cả hai bên đều không quên nhắc rằng, muốn EVN hết lỗ thì mức tăng giá phải trên 60%, thay vì 15,28% từ ngày 1-3.

Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trước đó vài ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết con số lỗ của ngành điện (EVN và các doanh nghiệp khác) năm 2010 vào khoảng 28.000 tỉ đồng, chưa tính các chi phí treo về tỷ giá, chi phí vận hành, bảo dưỡng, chi phí hỗ trợ giá điện cho người nghèo năm 2010…

Tuy nhiên, những thông báo trên vẫn chưa trả lời được câu hỏi của người mua điện, bởi chưa hình thành những khung pháp lý để ngành điện tính toán cơ sở chi phí đầu vào nhằm hình thành nên giá bán, điều mà ngành xăng dầu đã làm được trong hơn một năm qua, được công khai rộng rãi.

Sự lo ngại về hạch toán đầu vào không rõ ràng là có cơ sở. Năm 2007, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định cách tính về khoản chênh lệch doanh thu do tăng giá điện của EVN là không đúng. Con số được kiểm toán xác định về khoản này là 3.402 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với 2.763 tỉ đồng mà EVN báo cáo. Việc tính toán không đúng do EVN dùng giá điện bình quân của năm 2007 trừ đi giá điện bình quân của năm 2006 rồi nhân với tổng sản lượng tiêu thụ. Cách tính này là cào bằng các quyền số trong khi sản lượng tiêu thụ của từng khu vực sản xuất, sinh hoạt… là khác nhau, dẫn đến giá mua khác nhau.

Thiệt hai ai chịu?

Với mức tăng giá điện trung bình trên 15% vào đầu tháng 3, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn chấp nhận được nhưng với điều kiện phải đảm bảo nguồn điện lẫn chất lượng điện cho sản xuất.

Ông Trần Đăng Tường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam, chuyên sản xuất sợi ở tỉnh Bình Dương cho biết tính toán ban đầu dựa trên chi phí điện cho hệ thống dệt của các nhà máy vào khoảng 5 tỉ đồng/tháng trong năm 2010 thì với mức tăng giá bán điện bình quân 15% đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải trả thêm trung bình 750 triệu đồng/tháng so với mức cũ.

Ngoài ra, ông Tường cũng cho biết thêm Công ty Điện lực Bình Dương vừa qua có yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất giảm 13% lượng tiêu thụ điện. Điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng tương ứng.

“Hệ thống máy dệt luôn phải hoạt động 24/24 thì yêu cầu giảm bao nhiêu lượng tiêu thụ điện đồng nghĩa với giảm bấy nhiêu sản lượng sợi. Theo tính toán, với sản lượng hàng tháng vào khoảng 1.600 tấn sợi, việc cắt giảm trên trước mắt sẽ làm giảm 208 tấn sợi/tháng, giảm doanh thu của công ty hàng tỉ đồng!”, ông cho biết.

Thành viên ban giám đốc một doanh nghiệp sản xuất sợi polyester ở Củ Chi nhận xét vài năm gần đây tuy giá bán điện tăng nhưng chất lượng điện vẫn không được cải thiện. “Ở các dây chuyền sản xuất sợi tổng hợp đòi hỏi máy phải chạy liên tục ở tốc độ cao, do vậy chỉ cần điện “chớp tắt” một phần trăm giây hay cắt điện trong một ngày thì sản phẩm của chúng tôi sẽ trở thành sợi phế liệu ngay”, ông này bày tỏ bức xúc.

Thái Hằng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới