Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm hoang dã

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm hoang dã

Thư Hoài

NXB Hội Nhà Văn và Công ty Đông A xuất bản, sách dày 192 trang, giá bìa 45.000 đồng.

(TBKTSG) – Đi tìm hoang dã – đó là chuyện kể về hành trình đi tìm tự do, thoát khỏi tay con người của hai anh em bò Đốm và bò Út. Và miền hoang dã mà chúng tìm đến là những cánh rừng xa xôi – nơi mà tổ tiên chúng từng sống trước khi bị loài người thuần hóa và thực hiện toàn quyền sinh sát đối với chúng.

Câu chuyện khởi đầu bằng hai sự việc đối nghịch bi – hài: bò Đốm được tung hô là tài năng hội họa khi dùng cái đuôi để… vẽ (đúng ra là vẫy đuôi quệt màu vì ngứa và nhột!) theo “sáng kiến” của ông chủ và ngay sau đó là cảnh mẹ bò bị lôi ra khỏi chuồng, đưa đến lò mổ thịt trước sự chứng kiến của chúng.

Thực tế đó và lời nhắn nhủ của mẹ khiến bò Đốm nhận rõ thân phận của loài bò, chẳng màng đến kiểu vinh danh lừa gạt – “thiên tài bị xỏ mũi”. Đốm ngày càng ưu tư, sầu muộn và một hôm rủ em tìm cách trốn đi.

Trải qua nhiều gian nan, nguy khốn, cuối cùng chúng cũng đến được cánh rừng hoang dã, được sống trong cộng đồng muông thú thân thiện, đoàn kết dưới sự dẫn dắt và bảo bọc của anh Hổ cuối cùng ở nơi ấy – “một vị chúa tể gầy nhom và sống có trách nhiệm”.

Nhưng rồi cuộc hành trình của bò Đốm và bò Út cũng chưa dừng lại ở đó: cánh rừng ấy cũng không còn là nơi an toàn khi chúng được báo động là con người đang tới; vậy là cả cộng đồng muông thú lại di cư vào sâu hơn nữa để tìm cuộc sống yên bình, tự do…

Nếu chỉ dựa vào cốt truyện, có thể gọi hành trình của hai anh em bò Đốm là một cuộc đào thoát, phiêu lưu và những cuộc gặp gỡ, chứng kiến, trải nghiệm của chúng trong rừng già đã đem lại nhiều bất ngờ, thú vị cho những độc giả nhỏ tuổi.

Chẳng hạn, chuyện bò Đốm thông minh cứu sống con dê mắc bẫy con người nhờ nắm lá sắn; cảnh hai con bò tót và tê giác quyết đấu để giành lãnh địa; hình ảnh chúa sơn lâm từ lâu chỉ ăn rong rêu và lá cây như một nhà tu và chính “chế độ ăn uống kỳ lạ đó đã cho anh (hổ) sự thanh thản,… một sức khỏe và trí tuệ lạ lùng để hiểu thấu muôn loài”… Quả thật là những tình tiết lạ, ngộ nghĩnh như vậy, cùng các hí họa của Huy CK 5, rất hợp với một cuốn truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi.

Nhưng thật sự Đi tìm hoang dã không phải là truyện phiêu lưu và cũng không chỉ dành cho thiếu nhi – tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên nói như vậy và người đọc cũng dễ dàng nhận ra điều đó ngay từ những trang đầu. Một câu chuyện giàu tính ẩn dụ mà qua đó tác giả gửi gắm nhiều suy nghĩ của mình về cách con người đối xử với muông thú, với thiên nhiên, về tình yêu đồng loại, về sáng tạo nghệ thuật, về tự do – những vấn đề đang là mối bận tâm của bao người lớn trong cuộc sống hiện đại.

Như cái tựa nhỏ diễn giải ngoài bìa, đây là “câu chuyện của hai con bò khù khờ thích triết lý”. Bò Đốm và bò Út thích triết lý đã đành, nhưng “khù khờ” thì đó chỉ là một cách nói nhằm làm giảm đi vẻ nghiêm trọng thường gặp của cái sự triết lý. (Và không chỉ có hai anh em bò Đốm mà nhiều “nhân vật” khác trong truyện như bò Mẹ, bê Trọc, dê Phù Thủy, anh Hổ… cũng thích triết lý). Nhưng cái hay của tác giả là đã đưa những suy tưởng, những phát biểu triết lý vào câu chuyện một cách phù hợp, không khập khiễng, gượng ép. Chẳng có gì ngạc nhiên khi một chú bê suốt ngày chỉ nhảy cởn, ham đùa nghịch vô tâm như bê Trọc mở miệng nói rằng: “Có bầy đàn và được chăn dắt là một hạnh phúc!”.

Trái ngược với cái tư tưởng an phận, sống đến đâu hay đến đó của bê Trọc là khát vọng đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong tự do của bò Đốm. Anh chàng hiểu rõ mình là ai và tương lai sẽ ra sao khi hết thời: “Anh không thể cứ may mắn trong vai trò họa sĩ hoài. Một lúc nào đó anh không làm hài lòng họ, anh sẽ bị giết thịt (…). Những con bò sinh ra để kéo cày thì có thể sống dai hơn những con bò bị gán cho trách nhiệm vẽ tranh”. Với tính cách trầm lặng, gan góc, quyết liệt như Đốm, chẳng phải là quá lời khi nó tuyên bố: “Chúng ta sẽ vượt qua mọi rào cản để làm những con bò can đảm, tìm về với bản tính thiên nhiên. Chúng ta không thể đánh mất mình theo mệnh lệnh và ý đồ của con người”, hoặc “đi mới thành đường”, “tìm thì sẽ thấy”.

Rốt lại, những chú bò khù khờ thích triết lý cũng là câu chuyện triết lý rút ra từ cái khát vọng và hành động thoát khỏi thân phận bị xỏ mũi – nuôi nhốt – chờ đến lò mổ của những chú bò can đảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới