Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi tìm mô hình hợp tác xã ở nông thôn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm mô hình hợp tác xã ở nông thôn

Trong ảnh là lô trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU và sắp tới đây có thể là thị trường Mỹ của HTX thanh long Hàm Minh, Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Thu.

(TBKTSG Online) – Vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong phát triển kinh tế xã hội ở những vùng khó khăn là chủ đề chính được nêu ra trong một hội thảo do Văn phòng Trung ương Đảng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Đại học Mở TPHCM tổ chức hôm 25-7 tại TPHCM.  

Mặc dù các đại biểu là các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học gắn với nông nghiệp – nông thôn đều nhận định kinh tế hợp tác và hợp tác xã (HTX) có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng nghịch lý là phong trào kinh tế HTX lại đang mờ nhạt trong thực tiễn.  

Thêm việc làm và thu nhập cho người nghèo  

Cả nước hiện nay có hơn 1.000 HTX tín dụng (còn gọi là Quỹ Tín dụng nhân dân), 8.553 HTX nông nghiệp, hơn 150.000 tổ hùn vốn, tổ trợ vốn, tổ tín dụng tiết kiệm và hàng trăm ngàn tổ hợp tác sản xuất đơn giản.

Vai trò đầu tiên của kinh tế HTX, theo ông Nguyễn Xuân Hiên, Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, đó là nâng cao năng lực hấp thụ vốn cho người nghèo, nông dân, khi mà phần đông nông dân có nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng truyền thống.  

“Hơn 30% số HTX nông nghiệp có tín dụng nội bộ giúp vốn cho xã viên của mình, còn cả ngàn HTX tín dụng thì dư nợ cho các thành viên vay vốn sản xuất hơn 10.000 tỉ đồng cũng đủ để nói lên đều đó”, ông Hiên phân tích.  

Theo thống kê, các HTX đang tạo việc làm cho hơn 10,5 triệu lao động đa phần là nông dân và hơn 3,5 triệu lao động ở các tổ hợp tác với mức thu nhập bình quân năm 2000 được 4,2 triệu đồng/xã viên lên 7,5 triệu đồng/xã viên/năm vào năm ngoái.  

Tuy kinh tế HTX chưa mang lại thu nhập cao cho xã viên, nhưng con số nói trên cũng phần nào giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 14 triệu lao động trong tổng số 42 triệu lao động hiện nay của cả nước.  

Ngoài ra, theo ông Hiên, kinh tế HTX còn nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo, nâng cao trình độ lao động nông thôn, khuyến khích phát triển làng nghề ở các HTX thủ công mỹ nghệ.  

Thậm chí nhiều HTX, nhất là các HTX ở vùng ven các đô thị lớn, đã tiếp cận được thị trường nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua tiếp cận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.  

Giáo sư Mai Văn Quyền, nguyên Viện phó Viện khoa học nông nghiệp miền Nam, cho biết ở Đông Nam bộ, nhiều HTX nông nghiệp hình thành xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, từ nhu cầu tránh thiệt thòi trong đàm phán mua bán nông sản trên thương trường như các HTX trái cây, bò sữa.

Đừng xem là “cánh tay nối dài” của chính quyền  

Phó chủ nhiệm HTX thanh long Hàm Minh, ông Vũ Duy Việt. Bên cạnh ông Việt là máy tính nối mạng Internet để phục vụ việc trồng và xuất khẩu thanh long. Ảnh: Ngọc Thu

Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ nông nghiệp 2 tại TPHCM, người từng nhiều năm nghiên cứu về kinh tế HTX nông nghiệp và tham gia đào tạo cán bộ HTX nông nghiệp, cho rằng sự can thiệp hay áp đặt ý chí của chính quyền địa phương hiện nay là một nguyên nhân làm thui chột ý chí kinh doanh vươn lên của các HTX nông nghiệp.  

“Chính quyền xã, huyện rất nhiều nơi xem HTX nông nghiệp là “cánh tay nối dài” của mình, nên can thiệp cả định hướng kinh doanh, nhân sự, làm mất quyền tự chủ trong hoạt động của HTX”, ông bức xúc.  

Nghịch lý hiện nay là chính quyền địa phương thì vẫn thường can thiệp quá sâu vào các hoạt động của HTX, trong khi Chính phủ và các bộ ngành lại ít quan tâm hỗ trợ, từ chính sách cho tới các văn bản làm cơ sở pháp lý cụ thể về vốn, tài sản, thuế đối với HTX.  

Theo ông Khải, HTX là tổ chức kinh tế nhưng mang tính xã hội, do vậy sự hỗ trợ của Nhà nước cho các HTX phát triển không hề làm méo mó thị trường, không hề trái với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới mà Việt Nam đã là thành viên.  

“Phải có chính sách tích tụ ruộng đất và đào tạo cho nông dân thì mới “cởi trói” thực sự cho HTX nông nghiệp và nông thôn”, ông Khải đề xuất khi nêu ra một xã viên HTX nông nghiệp ở Bắc bộ có vài ngàn mét vuông đất hay Nam bộ thì chỉ có vài công đất thì chẳng thể nào trở thành HTX nông nghiệp đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.  

Thay đổi tư duy

Các chuyên gia kinh tế tham gia hội thảo đều cho rằng, phải xóa bỏ tư duy thành lập HTX nông nghiệp theo địa giới hành chính thôn, ấp, xã, mà nên để những người chủ trang trại, nông dân có cùng chí hướng, cùng mục tiêu thành lập HTX dịch vụ.  

Trường hợp các chủ trang trại trồng trái cây ở Bình Dương, nhưng đa phần ở TPHCM, thành lập HTX tiêu thụ trái cây và hiện nay phát triển mạnh tới mức liên doanh với doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng nhà máy chế biến, xuất khẩu trái cây, là một điển hình không hề theo địa giới hành chính.  

Tại hội thảo, nhiều Liên minh HTX các tỉnh nêu ra nhiều mô hình HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiên tiến của địa phương mình; nhưng các chuyên gia kinh tế tại hội thảo lại phản bác, cho rằng đó cũng chỉ là những HTX của các hộ kinh tế tiểu nông, hộ nghèo, ít đất đang cố gắng hợp tác với nhau để giải quyết việc làm, thoát nghèo, làm một vài dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất.  

“Các chủ trang trại, các doanh nghiệp liên kết với nhau thành lập các HTX, thuê chuyên gia quản trị như một doanh nghiệp thì khi đó mới gọi đúng tên của nó là HTX, vì các xã viên tham gia có nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn, làm giàu và từ đó mới kích thích nông thôn phát triển HTX, kích thích nông dân tiểu điền tích tụ đất thành chủ trang trại”, ông Vũ Trọng Khải đưa ra mô hình mới.  

Một số nhà khoa học nghiên cứu về HTX và kinh tế hợp tác thì nói rằng họ không hiểu tại sao quan niệm HTX nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chỉ có những nông dân là xã viên. “Ai cấm doanh nghiệp tham gia, chủ trang trại tham gia, vì bản chất của HTX là hợp tác mà”, một nhà khoa học nói.  

Theo ông Lý Sở Tăng, Chủ tịch Liên minh HTX An Giang, ở tỉnh này đã có nhiều HTX nông nghiệp có sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp để làm vệ tinh thu mua lúa, xay xát gạo cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, có sự tham gia của các công ty cung ứng máy móc, vật tư nông nghiệp trong HTX.

Câu chuyện HTX sẽ còn kéo dài trong thời gian tới vì trong nghị quyết trung ương 7 khóa X có đề cập “hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác, làm tốt các dịch vụ “đầu ra, đầu vào”, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; khuyến khích liên kết giữa nông hộ, trang trại, HTX với các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng”.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới