Thứ Sáu, 29/09/2023, 15:32
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đi tìm sự nhất quán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi tìm sự nhất quán

Chính phủ cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cú “sốc” có thể xảy ra nếu dòng vốn đầu tư gián tiếp vào nước ta giảm mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Các phân tích thẳng thắn gần đây chủ yếu tập trung vào sự yếu kém trong điều hành và hoạch định chính sách chứ không lảng tránh theo kiểu “Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo”.

Bản kết luận của Bộ Chính trị chỉ dành một đoạn rất ngắn để nói về nguyên nhân khách quan trong khi phân tích rất sâu về các nguyên nhân chủ quan.

Đã có sự chuyển hướng

Tính từ thời điểm Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành Chỉ thị 319 vào ngày 3-3 “về việc tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008” đến lúc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố bài viết “Phấn đấu kiềm chế lạm phát…” và đặc biệt là việc Bộ Chính trị ra kết luận về một số vấn đề kinh tế – xã hội quý 1-2008 vào cuối tuần trước, chỉ mới một tháng trôi qua. Thế nhưng đã có một sự chuyển hướng rõ rệt trong phân tích nguyên nhân cũng như trong các giải pháp kiềm chế lạm phát được đưa ra.

Nếu trước đó, tinh thần toát ra từ các văn bản chính thức và các phát biểu của quan chức Chính phủ là cố gắng đạt được việc kiềm chế lạm phát và đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì nay đã xác định rõ, khi ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát thì tốc độ tăng trưởng phải ở hàng thứ yếu, thậm chí chấp nhận GDP năm nay chỉ tăng 6,5 – 7,5%.

Trong nỗ lực tìm sự ổn định của các thị trường đang bị tác động bởi lạm phát và các biện pháp kiềm chế lạm phát, trước đó các quan chức Chính phủ đã cố gắng làm hài lòng tất cả bằng những biện pháp mâu thuẫn nhau như “không để thị trường chứng khoán đi xuống”, “tăng trưởng tín dụng tối đa 30% nhưng phải đáp ứng yêu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế”, “ngân hàng tiếp tục cho vay bất động sản”… Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, khi trả lời báo chí bên lề phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 26-3-2008 đã khuyên “Nếu có tiền tôi cũng mua chứng khoán”.

Nay đã có sự khẳng định, chống lạm phát đòi hỏi sự trả giá và đánh đổi. Các phân tích thẳng thắn gần đây cũng chủ yếu tập trung vào sự yếu kém trong điều hành và hoạch định chính sách chứ không lảng tránh theo kiểu “Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo”.

Bản kết luận của Bộ Chính trị chỉ dành một đoạn rất ngắn để nói về nguyên nhân khách quan trong khi phân tích rất sâu về các nguyên nhân chủ quan.

Đáng chú ý, sự phân tích đã nhấn mạnh đến mối quan hệ nhân quả để cho thấy tình hình hiện nay là kết quả của sự buông lỏng vai trò quản lý của một số bộ, ngành như “Tỷ lệ sử dụng vốn vay ngắn hạn để cho vay dài hạn quá lớn, khá phổ biến ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhưng chậm được kiểm soát chặt chẽ”, “chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng đã thực hiện trong nhiều năm liền nhưng quản lý chưa chặt chẽ”, “nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FII) đổ vào rất lớn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ”…

Chính do sự phân tích khách quan này mà những biện pháp nêu ra đã đạt sự nhất quán. Các biện pháp này cũng mang tính định lượng cụ thể chứ không còn chung chung như trước, như giảm bội chi ngân sách xuống mức thấp hơn 5% GDP, tiết kiệm chi thường xuyên 10%, không bố trí vốn đầu tư cho các công trình chưa thật sự cấp bách trong năm 2008 hoặc hiệu quả đầu tư thấp (chứ không phải giữ nguyên tổng vốn đầu tư của năm 2008 như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết trước đó), sớm áp dụng các biện pháp quản lý nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) như nhiều nước đã áp dụng thành công.

Những vấn đề còn lại

Một khi đã đạt được sự nhất quán về mặt chính sách, thiết nghĩ vấn đề quan trọng hiện nay là triển khai cụ thể những chính sách sẽ có tác động tức thời lên tình hình lạm phát. Lãi suất là một trong những lĩnh vực như thế. Cho dù có sự khác biệt khi phân tích nguyên nhân của lạm phát, hầu như mọi người đều nhất trí, để chống lạm phát, biện pháp phải tiến hành là nâng lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát – từ đó mới có khái niệm “lãi suất thực dương”.

Lãi suất thực dương (tức lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát dự kiến vẫn là con số dương) sẽ là công cụ giúp siết chặt lượng cung tiền và dư nợ tín dụng một cách hiệu quả nhất. Lãi suất cao hơn lạm phát thì người dân mới gửi tiền vào ngân hàng thay vì rút tiền mua vàng, đô la, hay đổ vào bất động sản. Lãi suất cao là liều thuốc thử sàng lọc những dự án nào tỷ suất thu hồi vốn thấp. Lãi suất cao sẽ gây áp lực nặng lên hệ thống ngân hàng và có khả năng làm đình đốn sản xuất nhưng đó là cái giá phải trả để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng đã phát triển quá nhanh trong năm ngoái và loại bỏ những dự án mang tính đầu cơ, rủi ro cao.

Thật khó hiểu khi Hiệp hội ngân hàng lại thống nhất trần lãi suất huy động từ người dân còn lãi suất cho vay không có trần nào cả.

Một việc cũng cần triển khai ngay là xác định một cách cụ thể các dự án đầu tư công cần “kiên quyết cắt giảm”. Việc này không thể giao lại các bộ hay địa phương vì không thể trông chờ những nơi này tự giác cắt bỏ những dự án họ đã “dày công” trong quy trình xin – cho những năm trước. Một danh sách dự án được tuyên bố sẽ cắt giảm như thế sẽ là tín hiệu cho toàn xã hội đồng thuận với nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Có thể bắt đầu từ những dự án nhỏ như bộ phim Lý Công Uẩn (200 tỉ đồng), Bảo tàng Hà Nội (dự kiến 1.152 tỉ đồng nay đã lên 2.100 tỉ đồng) đang được dư luận quan tâm theo dõi. Nên công bố tỷ suất hoàn vốn nội bộ của các dự án đầu tư công để công chúng tham gia phản biện và chủ đầu tư có trách nhiệm giải trình hiệu quả của chúng.

Có thể dự báo dòng vốn đầu tư gián tiếp vào nước ta trong thời gian tới sẽ giảm mạnh sau khi thực hiện biện pháp quản lý như một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Cần chuẩn bị cho cú “sốc” này vì thị trường vốn nước ta trong ngắn hạn đang lệ thuộc vào dòng vốn này nhưng đây là việc cần làm vì dòng vốn nóng như thế kéo theo nó là sự rủi ro và bất trắc.

Tuy nhiên đừng nhầm lẫn giữa vốn đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp vì cái sau là dòng vốn nước ta đang cần. Hiện nay mức độ giải ngân vốn FDI đang chững lại, có nhiều dự án nhảy vào bất động sản như tình hình trước năm 1997, nhiều dự án bỏ cuộc ở phía Nam vì không chịu nổi thủ tục hành chính và giá đất đai. Đó là những dấu hiệu đáng lo ngại cần sớm được giải quyết.

Các biện pháp đưa ra phải đi kèm với việc trao quyền chủ động hơn nữa cho các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng với những yếu kém đã được chỉ ra, sự thiếu trách nhiệm trong quản lý (như mức tăng tín dụng năm ngoái thực tế lên đến 53,9% nhưng báo cáo chỉ tăng 37%) buộc người ta phải đặt câu hỏi – liệu có phải chấn chỉnh trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành này, nâng cao năng lực của bộ máy, thống nhất tầm nhìn trước khi có thể tin tưởng giao phó trách nhiệm triển khai các giải pháp đã đồng thuận?

NGUYỄN VẠN PHÚ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới