Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đi xe buýt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đi xe buýt

Thanh Phương

Xe buýt tấp nập ở khu vực chợ Bến Thành. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Lâu lắm rồi không đi xe buýt. Mấy năm trước, mỗi lần có việc đi Củ Chi, Đồng Nai, Bình Dương hay về Long An, tôi vẫn quen rong ruổi đường xa với chiếc xe gắn máy, có bữa nắng chang chang, có lần mưa như trút.

Chọn đi xe gắn máy không phải chỉ vì có thể chủ động thời gian mà còn là vì… ghét xe buýt. Xe buýt chạy ẩu, có lần tôi đã bị nó va quẹt, phải vào bệnh viện.

Nhưng rồi cái ngưỡng tứ tuần khiến tôi bắt đầu e ngại những chặng đường dài dưới ánh nắng chói chang của những ngày đầu hè. Vậy là miễn cưỡng tìm đến xe buýt.

Đầu ngày, bến xe đông nghịt người. Xe buýt kềnh càng tấp nập vào ra khiến khu vực vòng xoay chợ Bến Thành trở nên chật chội. Hỏi thăm xe nào đi Bình Dương, trong cái cảnh người xe nhộn nhạo, cô nhân viên trạm xe trả lời cụt lủn: “Chờ xe 616”. Sợ lỡ mất chuyến xe của mình, tôi đứng luôn dưới lề đường ráng dòm cho hết những chiếc xe vào ra nhưng đâu có dễ vì quá nhiều xe! Một anh xe ôm gần đó cho biết xe 616 đã đi rồi, nửa tiếng sau mới có chuyến kế tiếp.

Bước lên lề chọn một góc ghế ngồi đợi, vẫn không dám đọc sách, không dám rời mắt khỏi những con số chỉ tuyến xe. 20 phút, 30 phút rồi 50 phút trôi qua. Rốt cuộc thì xe 616 cũng tới. Đúng là nó chỉ ghé qua chứ không dừng lại. May mà tôi đã không ngủ gật.

Xe hơn 50 chỗ ngồi nhưng không đông khách. Anh lơ xe thu tiền vé mười lăm ngàn đồng. “Ồ, xe buýt cũng đâu có rẻ!”. Ngó một vòng thấy xe có màn vải che nắng, ghế còn rất mới, hệ thống lạnh khá mạnh, ti vi màn hình phẳng đàng hoàng. Hỏi ra mới biết xe 616 dành chở khách đi thẳng đến khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương.

Cậu bé ngồi ghế trước khoảng 15, 16 tuổi cứ luôn tay kéo cái màn che nắng cho bà già ngồi cạnh, chắc là bà nội hay bà ngoại gì đó. Cái màn kéo ra nhưng không gài được nên mỗi lần xe xuống dốc hoặc giảm tốc độ một chút là nó lại tuột ra đằng trước. Cậu bé loay hoay làm rối mắt, đành phải chọn nhìn lên màn hình. Chà, sao cứ chiếu đi chiếu lại mấy đoạn video mát mẻ đó, không thích hợp chút nào, trên xe có nhiều ông già, bà cả!

Ra đến xa lộ, một bà già kêu lạnh và xin giảm lạnh. Anh lơ xe nói: “Không thể!”. Chắc không có thêm cái áo nào nên thấy bà ôm hai tay lại với nhau. Bên ngoài, xa lộ Bình Dương ngày tháng Ba đầy nắng, đường rộng nên những người đi xe gắn máy chạy rất nhanh. Những cánh áo bọc gió căng phồng, vài tà áo khoác mỏng bay phần phật. Hình như ai cũng muốn tập trung rút ngắn chặng đường của mình. Chợt nhận ra ngồi xe buýt khỏe thật vì không phải căng mắt nhìn đường, không cần bịt khẩu trang kín mít, cũng không phải chịu cái cảm giác tay tê, lưng mỏi khi đi đường xa, không sợ bị giật mình mỗi khi kèn xe tải rú ở phía sau.

Chỗ hẹn làm việc nằm trong con hẻm đối diện nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương. Dù không đúng trạm dừng nhưng anh lơ xe nói với bác tài cho khách xuống ngay nghĩa trang để khỏi phải đi bộ xa.

Làm việc xong đã 12 giờ trưa. Nghe nói buổi chiều mới có nhiều chuyến xe từ Đại Nam về thành phố. Người quen cho ô tô đưa tôi ra bến xe Bình Dương cho chắc ăn. Ngồi chờ khoảng nửa tiếng thì chuyến xe buýt về bến xe miền Đông lăn bánh. Xe cũ kỹ, sàn dơ, cảm giác ngột ngạt. Ghế ngồi cho hai người hơi chật. Máy lạnh không đủ sức tạo sự dễ chịu dưới cái nắng nóng giữa trưa. Bác tài chạy đường vòng, chầm chậm, chốc chốc lại tấp vào lề đón thêm khách. Có lúc xe dừng lại ở một chỗ không phải trạm dừng rồi bác tài bỏ đi đâu một hồi lâu mới quay lại.

Xe “chiêu đãi” khách bằng chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên sóng radio. Phát thanh viên giới thiệu một giọng hát trẻ “đang rất thành công”! Lối hát gân guốc của chàng ca sĩ trẻ thành công ở đâu không biết nhưng với cường độ âm thanh quá cỡ anh chàng đang làm căng bầu không khí. Đồng hồ chỉ 1 giờ 25. Thật tiếc cho những ai đang muốn tranh thủ nghỉ ngơi.

Xe lại dừng, một cô gái trẻ mặt đỏ giẫy nắng băng ào lên xe. Anh phụ xế thu tiền vé bảy ngàn đồng, cô thắc mắc: “Em về bến xe miền Đông”. “Ừ, bến xe miền Đông, bảy ngàn”. “Sao mắc vậy, em đi từ Củ Chi về có bốn ngàn…”. Sau khi nhìn kỹ số tiền in trên tấm vé, cô đưa tiền mà miệng còn lẩm bẩm: “Đâu có xa hơn bao nhiêu…”.

Xe rồi cũng ra đến xa lộ. Nhưng hành khách đã mau chóng thất vọng vì bác tài vẫn tiếp tục chạy với tốc độ rùa. Radio đã chuyển sang chương trình ca cổ. Vẫn với âm lượng quá mức, bài tân cổ giao duyên “Con gái của mẹ” nghe từ ba mươi mấy năm trước nay cứ xoi xói vào lòng.

Hơn 2 giờ chiều xe mới về đến bến xe miền Đông, chấm dứt một chuyến xe mệt mỏi. Trời dịu nắng để bất chợt đổ cơn mưa lớn. Tôi lấy chuyến xe buýt về chợ Bến Thành mà thấy an ủi vì không phải cưỡi xe gắn máy, lúc thúc trong tấm áo mưa. Về đến cơ quan đã hơn 3 giờ, cô bạn đồng nghiệp chê “sao lại phí thời gian với xe buýt”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới