Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Địa phương lân cận lo ngại ùn tắc giao thông TPHCM tác động đến cả vùng

L.Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lãnh đạo các tỉnh lân cận TPHCM bày tỏ sự lo lắng về tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực ngày càng tăng cao và mong muốn quy hoạch giao thông của trung tâm kinh tế này cần được cải thiện và có sự kết nối mang tính liên vùng nhiều hơn.

Các ý kiến cũng đề xuất quy TPHCM đưa vào quy hoạch Vùng làm đường đường Vành đai 5 kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo báo cáo chuyên đề Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND TPHCM tổ chức vào ngày 31-1-2024.

Một góc đô thị TPHCM. Ảnh: L.Hoàng

Quy hoạch giao thông cần liên kết vùng chặt chẽ

Tại hội thảo, ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng hạ tầng giao thông giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng nói chung chưa được liền mạch và nhiều hạn chế. Đáng chú ý, việc kết nối giữa thành phố với tỉnh Tây Ninh là rất cấp thiết.

"Để có mặt ở TPHCM tham dự hội thảo này đúng 8 giờ sáng nay, chúng tôi phải dậy chuẩn bị từ 4 giờ", ông Thắng nói, và cho rằng: "Nếu khởi hành lúc 5 giờ thì không kịp ăn sáng mà còn có nguy cơ trễ họp”.

Dẫn câu chuyện thực tế của chính bản thân với cự li chỉ khoảng 100 km từ Tây Ninh đi TPHCM nhưng đã tiêu tốn khá nhiều thời gian, ông Thắng cho rằng vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng đang là nhu cầu bức bách.

Qua nghiên cứu Quy hoạch TPHCM, Phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh kiến nghị: thành phố cần ưu tiên, dành nguồn lực phát triển cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tuyến Xuyên Á. Tây Ninh cũng đề xuất TPHCM nghiên cứu phát triển đường sắt kết nối các tỉnh, thành lân cận, mở rộng không gian phát triển vùng.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành, cho rằng quy hoạch mạng lưới giao thông của “Vùng TPHCM” hiện có Vành đai 3, Vành đai 4 đang đầu tư và một số tuyến cao tốc như TPHCM - Chơn Thành đã có dự án, đường TPHCM đi Đức Hoà – Long An.

Ngoài ra, Bình Dương cũng đang định hướng, đưa vào quy hoạch tỉnh, đề xuất TPHCM cập nhật, kết nối quy hoạch vùng một số tuyến đường để giảm tải ùn tắc giao thông, giúp việc đi lại giữa các địa phương trong vùng được thuận lợi.

Trong đó, Bình Dương dự kiến đề xuất TPHCM làm Vành đai 5 thuộc TPHCM, kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Cũng theo ông Dành, hiện nay Chính phủ cũng đã có quyết định đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa, cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Quốc lộ 13C nên cần phải tính toán dần đường Vành đai 5. "Nếu không có hướng đầu tư Vành đai 5 TPHCM từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn lớn khi các trục giao thông lớn đổ về đây. Cho nên phải cập nhật quy hoạch đường Vành đai 5", ông Dành đề xuất, và cho rằng Vành đai 5 sẽ không chỉ đóng vai trò giảm ách tắc giao thông mà còn tạo ra không gian phát triển mới.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề xuất cần nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa và đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; bổ sung đoạn khuyết từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và 3.

Tại hội nghị bà Phan Thị Kim Oanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước cũng cho rằng quy hoạch TPHCM đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển chung của vùng. Bình Phước cũng xác định kết cấu hạ tầng của địa phương với các tỉnh trong vùng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, Bình Phước đề nghị TPHCM cập nhật lại các tuyến đường 13B, 13C kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để hoàn thiện mạng lưới giao thông liên kết vùng. Các tuyến này cũng đóng vai trò kết nối với các tuyến vành đai của TPHCM.

Toàn cảnh hội thảo góp ý báo cáo chuyên đề Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: PLO

Tầm nhìn tổng quát và dài hạn

Tại hội thảo, GS.TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng trong Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần làm rõ các tiêu chí, yếu tố trong mô hình tăng trưởng thành phố, phải có sự tính toán kỹ để làm nền tảng định hướng.

Theo ông Thành, cần tính toán hợp lý đóng góp trong tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố, tổng sản phẩm nội địa (GDP), cấu trúc chỉ số kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào thực tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Thành phố cần quan tâm và hình thành trung tâm nghiên cứu chất lượng cao, đi song hành cùng giáo dục, đào tạo trình độ cao. Quan tâm đào tạo những ngành lõi gắn với thế mạnh thành phố, từ đó phát triển nhanh và bền vững để tính toán phân bổ lao động ưu tiên.

“Phải huy động nguồn lực, lựa chọn kịch bản quy hoạch phát triển phù hợp cho thành phố, tương thích với nguồn lực để có tính khả thi hơn”, ông Thành lưu ý.

Còn theo Tiến sĩ Dương Như Hùng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM), trong quy hoạch phải đánh giá, đối chiếu với các vấn đề hiện tại và tương lai, phân tích được xu hướng dịch chuyển trong tương lai, như vấn đề dịch chuyển lao động.

Theo ông, khi đối sánh với các đô thị lớn trên thế giới phản ánh được lợi thế tương đối, cạnh tranh chi phí, nhân lực, để thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của thành phố, qua đó phát huy được lợi thế cạnh tranh của thành phố.

TS. Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận rằng TPHCM đang dần mất đi động lực, vai trò đầu tàu dẫn dắt, vai trò trung tâm, cửa ngõ kết nối. Nếu nhìn các chỉ số kinh tế, xã hội và các chỉ số chung so sánh TPHCM với cả nước, các chỉ số này đang bị xói mòn.

Liên quan quy hoạch, TS. Anh cho rằng cần có tọa đàm sâu về phát triển không gian, vì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của quy hoạch.

Đáng chú ý, theo TS Vũ Thành Tự Anh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay đã được đề cập trong dự thảo quy hoạch nhưng lại chưa được nêu rõ đó là giải quyết bài toán bộ máy, cải cách hành chính, nhân sự.

Bởi lẽ, theo ông Anh, có định hướng quy hoạch đúng nhưng việc quan trọng vẫn là thực thi. Và để thực thi cần phải có bộ máy, cơ quan hành chính, động lực và nguồn lực. "Đây chính là rào cản không chỉ của TPHCM mà còn nhiều địa phương khác. Nếu như không có cải cách bộ máy, cải cách hành chính, việc thực thi sẽ bế tắc", ông Vũ Thành Tự Anh lưu ý.

Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội nước và môi trường TPHCM, cho rằng trong quy hoạch này, thành phố phải định hướng liên kết với các tỉnh, thành. Thành phố có điểm mạnh là người dân rất năng động, sáng tạo, điều này cần tập trung phát huy. Đặc biệt, đội ngũ trí thức thành phố có nhiều công trình nghiên cứu có sức lan tỏa cao, không chỉ đóng góp cho thành phố mà còn đóng góp cho các tỉnh, thành khác.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, kinh tế thành phố phải gắn với “xanh và mới”. Cụ thể, công nghệ phải tiên tiến nhất, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, chip; phủ xanh mọi lĩnh vực, trong đó ba yếu tố cơ bản "chính sách xanh, tiêu chí xanh và mô hình xanh".

Trong khu vực sản xuất, thành phố chuyển dần sang nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế và chuyển giao công nghệ mới từ nước ngoài chứ không chỉ dừng lại ở sản xuất hàng loạt như trước đây.

Trong khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của thành phố), ông Võ Văn Hoan cho biết, ngành dịch vụ thành phố phải khẳng định là dịch vụ chất lượng cao; phải nâng chất lượng y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Thành phố cũng phát triển sản phẩm, dịch vụ có tính thương hiệu, phát triển theo chuỗi.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở các nước, đường sắt đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông. Ở nội ô thì có đường sắt trên cao và metro, còn giữa các tỉnh, thành với nhau thì có hệ thống đường sắt kết nối dày đặc với nhau, từ ga trung tâm của tỉnh thành, đường sắt toả ra nhiều hướng đi các tỉnh thành khác làm giảm áp lực giao thông của hệ thống đường bộ. Muốn giảm áp lực giao thông cho đường bộ, cách tốt nhất là thiết lập hệ thống đường sắt trong nội ô ( metro, đường sắt trên cao ), đường sắt giữa các tỉnh thành với nhau. Chớ đừng mong chờ vào việc mở rộng đường hoặc làm thêm đường cho xe chạy, chỉ một thời gian ngắn thì sẽ quá tải kẹt xe tiếp tục, điển hình là cầu kênh Tẻ, cao tốc Long Thành, cầu vượt Cộng Hòa v.v Hay bằng cách cực đoan là cấm, hạn chế xe trong TP sẽ không giải quyết được vấn đề đi lại của người dân trong TP, xe buýt không thể một mình gánh được nếu không có đường sắt trên cao và metro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới