Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Địa phương sẽ không được cấp phép dự án thủy điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Địa phương sẽ không được cấp phép dự án thủy điện

Ngọc Lan

Địa phương sẽ không được cấp phép dự án thủy điện
Nhiều dự án thủy điện đã phải tạm dừng. Ảnh:TL TBKTSG.

(TBKTSG Online) – Sau khi loại 424 dự án thủy điện bậc thang, thủy điện vừa và nhỏ khỏi quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho Quốc hội biết, kể từ nay, bất kể dự án thủy điện ở quy mô cỡ nào cũng phải được Thủ tướng đồng ý mới được phê duyệt đầu tư.

Theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án thủy điện có quy mô từ 30MW trở lên. Các dự án thủy điện quy mô lớn, thuộc loại công trình, dự án quốc gia quyết định đầu tư thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định. Một số dự án đặc biệt, tổng mức đầu tư lớn thì xin ý kiến của Quốc hội, còn lại những dự án dưới 30 MW thì phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm phê duyệt. Trừ trường hợp đặc biệt địa phương mới xin ý kiến và báo cáo Bộ Công Thương.

Việc phân cấp này dẫn đến hậu quả là phê duyệt tràn lan dự án thủy điện tại các địa phương trong nhiều năm qua, khiến cho quy hoạch thủy điện bị vỡ và ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống các vùng có dự án, là nguyên nhân khiến Quốc hội phải ra nghị quyết cách đây hơn một năm yêu cầu Chính phủ rà soát quy hoạch các dự án thủy điện và báo cáo tại kỳ họp lần này.

Giải trình trước Quốc hội chiều ngày 13-11 về các dự án thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay từ thời điểm này trở đi, tất cả các dự án thủy điện (không phân biệt quy mô) khi quyết định đầu tư và trước khi khởi công phải báo cáo Thủ tướng, được Thủ tướng đồng ý mới được đầu tư, khởi công.

Nếu quyết định này như lời ông Hoàng nói thì sau khi Chính phủ sửa quy định về phân cấp phê duyệt quy hoạch thủy điện, các địa phương sẽ không được trực tiếp phê duyệt dự án dưới 30 MW như hiện nay.

Ông Hoàng không thừa nhận việc rà soát và loại bỏ các dự án thủy điện là do sức ép của dư luận và Quốc hội trước nhiều tác động tiêu cực của các dự án thủy điện lên đời sống-xã hội. Vị bộ trưởng khẳng định, trong số 424 dự án bị loại bỏ, có dự án khả thi về mặt kinh tế nhưng không đảm bảo về môi trường, xã hội. Một số dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính để thực hiện. Ông Hoàng cho biết, để gỡ khó cho một số chủ dự án, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã phải nâng giá mua điện cho một số dự án thủy điện nhỏ để nâng hiệu quả dự án.

Riêng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, thiệt hại do việc dừng đầu tư là 12 tỉ đồng bao gồm chi phí lập dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới