Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch bệnh do nCoV tạo sức ép cho nông sản đa dạng hóa thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch bệnh do nCoV tạo sức ép cho nông sản đa dạng hóa thị trường

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) đã có tác động nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt Nam, và nguyên nhân sâu xa là do quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng khó khăn sẽ tạo sức ép để ngành nông nghiệp khắc phục điểm đa dạng hóa thị trường.

Dịch bệnh Vũ Hán khiến giá thanh long rớt thảm hại, chỉ còn 1.000 đồng/kg

Doanh nghiệp nông sản chấp nhận rủi ro tránh tồn kho trong 'mùa corona'

 

Dịch bệnh do nCoV tạo sức ép cho nông sản đa dạng hóa thị trường
Sự đình trệ trong thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc do dịch bệnh nCoV đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành nông nghiệp Việt Nam về da dạng hóa thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Thống kê của Tổng cục Hải qua cho thấy, với riêng ngành rau quả, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,75 tỉ đô la Mỹ, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm đến 64,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tương đương đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến 2,43 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số cho thấy sự lệ thuộc rất lớn của ngành hàng rau quả Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung ở thị trường 1,4 tỉ dân này.

Chính sự lệ thuộc quá lớn như vậy nên khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp tạm thời như: đóng cửa khẩu hoặc hạn chế cho hàng hóa các nước, trong đó, có Việt Nam vào nhằm kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra, lập tức khiến giá nông sản trong nước bị "rớt" mạnh.

Điển hình, giá thanh long trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 được thương lái đặt cọc thu mua của nông dân với giá 32.000 đồng/kg đã nhanh chóng giảm xuống còn 4.000-5.000 đồng/kg (dù hiện có nhích lên) hoặc mít Thái từ mức 40.000-42.000 đồng/kg “rớt” xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nào đó, qua sự việc nêu trên cũng chính là cơ hội để các bên liên quan trong ngành nông nghiệp Việt Nam chấn chỉnh, nhất là cần phải thực hiện các giải pháp để đa dạng hóa thị trường.       

Trao đổi với TBKTSG Online, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhìn nhận dịch bệnh do virus corona đang tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế thế giới, chứ không riêng Trung Quốc. Trong khi đó, giao thương Việt Nam gắn liền với Trung Quốc rất nhiều nên việc ảnh hưởng là không thể tránh khỏi.

Theo ông Hiệp, do xác định đây là đại dịch nên phải ưu tiên cho mục tiêu phòng chống dịch bệnh, không đánh đổi lợi ích kinh tế bằng sức khỏe và sinh mạng, tuy nhiên, khi dùng các biện pháp ứng phó phải cân nhắc hết sức chặt chẽ, không nên đóng cửa biên giới hoàn toàn vì dịch bệnh cũng đã lây đến những quốc gia khác, dĩ nhiên, những đối tượng đến từ vùng dịch như Vũ Hán, thì phải có biện pháp kiểm soát chặt.

Từ khó khăn của việc tiêu thụ nông sản khi thị trường Trung Quốc bị "đóng băng" cho thấy cần khắc phục điểm hạn chế trong hoạt động giao thương của ngành nông nghiệp: đó là sự phụ thuộc vào một thị trường. Ông Hiệp nói rằng ở những quốc gia khác, nhờ đa dạng hóa thị trường nên khi thị trường này gặp khó có thể chuyển hướng sang thị trường khác, không bị ảnh hưởng lớn, trong khi Việt Nam lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Chính vì vậy, theo ông Hiệp, cần có sự nhìn nhận và chỉnh sửa những yếu điểm trong các ngành kinh tế, đặc biệt là sự phụ thuộc của nông sản vào thị trường Trung Quốc – thị trường có độ rủi ro kèm theo rất lớn mà qua đại dịch nCoV đã bộc lộ rõ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vấn đề cần làm trước mắt cũng như chiến lược lâu dài là phải đa dạng hóa, tránh phụ thuộc lớn vào một thị trường duy nhất như hiện nay là Trung Quốc.

“Khi đã có sự đa dạng về thị trường, thì nếu có biến động ở thị trường này chúng ta vẫn có thể khai thác sang thị trường khác”, bà Thu cho biết và nói rằng khi đó doanh nghiệp cũng không bị động trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như trường hợp trái cây hiện nay.

Ông Hiệp nêu quan điểm khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu cũng đặt ra thách thức cho các đơn vị liên quan trong ngành nông nghiệp, để có những chấn chỉnh trong chiến lược phát triển.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới