Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch bệnh khiến gần 60.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 5 tháng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch bệnh khiến gần 60.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 5 tháng

Lê Hoàng

(KTSG Online) – Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khó khăn kinh tế và ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến 59.820 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm và hàng trăm doanh nghiệp vốn trên 100 tỉ đồng.

Dịch bệnh khiến gần 60.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 5 tháng
Các tuyến đường trở nên vắng vẻ, các cửa hàng, chợ, siêu thị… thưa thớt người đến khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: Lê Vũ.

Trong tháng 5 vừa qua, cả nước đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư và dịch diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương, tập trung ở một số khu công nghiệp, có tốc độ lây lan nhanh.

Cùng với đó, trong tháng qua, cả nước có thêm hơn 8.910 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả của tháng 5 đã nâng con số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm nay lên 59.820, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số 59.820 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có 31.818 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 22,3%), gần 20.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 20,7%) và hơn 8.000 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 32,3%) so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm đã thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đó là xu hướng chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để nghe ngóng, xem xét diễn biến của dịch bệnh, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp ở thời điểm này.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ. 

Mặc dù vậy, ảnh hưởng đại dịch kéo dài này cũng kéo các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn vào tình trạng lâm nguy mà cụ thể là những doanh nghiệp này đăng ký tạm dừng kinh doanh tăng cao hơn nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Cụ thể, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh với quy mô vốn trên 100 tỉ đồng trong 5 tháng qua có đến 189 doanh nghiệp, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong số nhóm doanh nghiệp đăng ký rời thị trường. Có đến hơn 6.800 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,6%) đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 5 tháng vừa qua.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa kinh doanh trong 5 tháng 2021 và rao cho thuê mặt bằng. Ảnh minh họa: T.T

Con số doanh nghiệp rời thị trường này cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm nay. Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, trong khung thời gian trên, cả nước có gần 55.800 doanh nghiệp thành lập, tức thấp hơn 4.000 doanh nghiệp so với số 59.820 doanh nghiệp phải rời thị trường trong cùng thời gian này.

Cơ quan quản lý người lao động chưa đưa ra số liệu cập nhật đến thời điểm này nhưng Tổng cục Thống kê cho biết riêng trong quí 1-2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.

Cụ thể có đến 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Trong khi đó, tác động của đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này được xem là nặng nề hơn ba đợt trước và được các doanh nghiệp đánh giá đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm.

Do yêu cầu phòng dịch của nhiều địa phương, người lao động bị tác động mạnh của dịch Covid-19 khi phải tiến hành các biện pháp phòng dịch tại các nhà máy, công xưởng, văn phòng.

Chưa có thông tin chung cả nước, nhưng dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bắc Giang buộc phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc; tỉnh Bắc Ninh có 42.000 lao động trên tổng số 320.000 lao động phải ngừng việc.

Hải Phòng có hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc…, một số khu vực bị phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Con số doanh nghiệp đóng cửa này được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi dịch bệnh đang trong giai đoạn bùng phát mạnh khiến một số địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và cho nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới