Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch bệnh làm ‘bốc hơi’ 1.700 tỉ đô la của nền kinh tế châu Á

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) ước tính dịch Covid đã xóa bớt 1.700 tỉ đô la GDP của 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á trong năm 2020, trong đó du lịch và các ngành dịch vụ liên quan chịu tổn thất lớn nhất. JCER cho rằng ảnh hưởng trung hạn của dịch bệnh có thể kéo dài ít nhất đến hết năm 2022 và du lịch có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục kinh tế.

Việt Nam đón khách quốc tế từ tháng 11, tính mở cửa hoàn toàn từ quý 2-2022

Thái Lan bỏ cách ly với người đã tiêm vaccine đến từ 46 nước để vực dậy ngành du lịch

Mức độ thiệt hại kinh tế do Covid gây ra với 15 nền kinh tế châu Á. Nguồn: JCER / Nikkei Asia

Đài Loan là nơi duy nhất hưởng lợi

Mức độ thiệt hại này được ước đoán bằng cách so sánh dự báo tăng trưởng GDP trước khi dịch bùng phát và mức tăng trưởng GDP thực tế đạt được sau đó. Theo dự báo của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10-2019, các nhà kinh tế Nhật Bản đã ước tính mức tăng GDP danh nghĩa mà các nước và vùng lãnh thổ châu Á có thể đạt được là tăng 6,2% so với năm 2019, có nghĩa là 15 nền kinh tế nói trên lẽ ra đạt được 29.840 tỉ đô la trong năm 2020. Nhưng trên thực tế con số này hụt mất 1.680 tỉ đô la do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trung Quốc chịu thiệt hại lớn nhất với 638 tỉ đô la bởi có quy mô nền kinh tế quá lớn, chiếm đến phân nửa GDP của châu Á và bởi vai trò quan trọng của nước này trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù khống chế được Covid khá sớm, nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Á này chỉ tăng trưởng 2,3% trong năm 2020.

Ấn Độ cũng chịu cú sốc lớn với mức suy giảm 480 tỉ đô la – đứng thứ hai trong 15 nền kinh tế mà JCER khảo sát. Nền kinh tế nước này từng phát triển với tỷ lệ tăng trưởng GDP 6-8% trong các năm trước dịch.

Là nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận mức thiệt hại lớn thứ ba trong khu vực với 162 tỉ đô la, do khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng GDP cao.

Chịu thiệt hai nặng nề nhất là các nền công nghiệp có liên quan đến du lịch. Dựa trên dữ liệu của QUICK-FactSet, JCER đã so sánh doanh số của 16.000 công ty đại chúng ở châu Á trong quý 4-2019, thời điểm trước khi dịch bùng nổ, với các con số trong quý 2-2021. Theo đó, các sòng bạc có mức suy giảm doanh số tới 53%, tiếp đó là các hãng hàng không với tỷ lệ 49%.

Du lịch chiếm đến 20% GDP của Campuchia và nền kinh tế nước này đã mất đi 4 tỉ đô la. Tương tự, phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, Thái Lan hầu như bị mất trắng 71 tỉ đô. Hãng hàng không quốc gia Thai Airways International phải nộp đơn xin phá sản vào tháng 5-2020. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng chịu thiệt hại tài chính tương tự, buộc phải tái cấu trúc, giảm đến 50% trên tổng số hơn 20.000 lao động và thực hiện cắt giảm sâu mức lương của số nhân viên còn lại.

Trong khi phần lớn các nền kinh tế châu Á đang chật vật đối phó với Covid, Đài Loan lại được hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này. So với mức dự báo trước dịch, GDP của Đài Loan đã tăng thêm 44 tỉ đô la trong năm ngoái do nhu cầu về các sản phẩm công nghệ thông tin như server, smartphone và chip gia tăng bởi thế giới phải ở nhà và làm việc trực tuyến.

Hồi phục du lịch có vai trò quan trọng

GDP của châu Á trong nửa năm đầu 2021 đã hồi phục gần bằng mức dự báo trước Covid, phần lớn do mức hồi phục nhanh của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ tăng giá so với đồng đô xanh.

Nhưng trừ Đài Loan, châu Á vẫn đang gặp thách thức ở phía trước. Trong tương lai ngắn hạn, sự suy giảm kinh tế trong quý 3-2021 là chắc chắn với hầu hết các quốc gia trong nhóm được JCER khảo sát, bởi chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao đã càn quét qua khắp châu lục.

Mặc dù các nền kinh tế đã có những chuyển biến để mở cửa trở lại trong tháng 10 này – bao gồm việc nới lỏng các giới hạn để đón khách như ở các nước Đông Nam Á – ảnh hưởng trong trung hạn vẫn tiếp tục kéo dài ít nhất là trong năm 2022. Lý do quan trọng nhất là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực và thiết bị ở các nền kinh tế này.

Sự hồi phục của ngành du lịch là quan trọng, đặc biệt là với các nền kinh tế Đông Nam Á có tỷ trọng phụ thuộc lớn vào du khách. Báo cáo của JCER nói rằng lưu lượng du khách sẽ có thể hồi phục bằng việc áp dụng hộ chiếu vaccine và các khung thử nghiệm mở cửa đón khách quốc tế mà Thái Lan và một số nước đang áp dụng.

Việt Nam thiệt hại 24 tỉ đô la do CovidTrong phiên thảo luận tại tổ sáng 21-10 tại TP.HCM của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng dịch Covid đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho Việt Nam trong hai năm qua. Trong năm 2020, dự kiến tăng trưởng 6,8% nhưng cả năm chỉ tăng 2,9%. Năm 2021, dự kiến tăng trưởng 6%, tuy nhiên, khả năng thực hiện không quá 3%. Tức là trong hai năm qua, ước tính Việt Nam thiệt hại khoảng 7% GDP, tương đương thiệt hại 24 tỉ đô la trên quy mô GDP là 343 tỉ đô la. Riêng TP.HCM chiếm khoảng 50% mức thiệt hại, tức mất khoảng 12 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới