Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch bệnh tạo sức ép thúc đẩy giải pháp hợp đồng điện tử

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dịch bệnh bùng phát cùng việc tuân thủ các biện pháp về giãn cách xã hội đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động giao kết của doanh nghiệp, tổ chức. Từ đó, tạo sức ép thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp hợp đồng điện tử để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thông suốt, không gián đoạn.

Ứng dụng giải pháp ký kết hợp đồng điện tử giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng gián đoạn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi bị tác động bở Covid-19. Ảnh: DNCC

Tại cuộc hội thảo trực tuyến về giải pháp ký kết điện tử do Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) tổ chức, một cuộc khảo sát với sự tham gia của 500 doanh nghiệp đã được công bố, trong đó có 94% cho biết họ gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng với đối tác do giãn cách xã hội và 92% doanh nghiệp đồng cho rằng ký kết điện tử sẽ là xu hướng dịch chuyển tất yếu nhưng nỗi e ngại lớn nhất là tính pháp lý.

Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam đã ban hành luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 với các điều khoản đầy đủ về chứng từ điện tử/hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó còn có Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

“Hành lang pháp lý về hợp đồng điện tử đã đồng bộ. Chứng từ điện tử được công nhận tính pháp lý theo Luật Giao dịch điện tử, trong đó hợp đồng điện tử cũng là một dạng chứng từ điện tử”, ông Lê Đức Anh nói, và cung cấp thêm thông tin rằng Chính phủ và Bộ Công thương đang nỗ lực hoàn thiện các cơ chế nhằm giúp hình thức ký kết điện tử được công nhận một cách hợp pháp, minh bạch, xác thực.

Chỉ trong vài tuần tới, Nghị định sửa đổi, bổ sung của Nghị định 52/2013/NĐ-CP sắp ban hành sẽ chính thức quy định quy trình cấp đăng ký cho các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA – Certified eContract Authority). Việc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xu hướng ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Luật sư Điều hành, Công ty Luật TNHH Asia Legal cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử là không thể bị phủ nhận. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện hành về chứng thực chữ ký số cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định tính toàn vẹn và đảm bảo của thông điệp dữ liệu, góp phần củng cố thêm giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử.

“Với việc có thêm đơn vị chứng thực hợp đồng điện tử trong thời gian tới, doanh nghiệp có thể yên tâm hơn khi sử dụng hợp đồng điện tử trong quá trình làm việc với cơ quan thuế, ngân hàng, tòa án hoặc bên thứ ba”, ông Vĩnh nói.

Đề cập đến tính pháp lý của hợp đồng điện tử trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên cùng ký kết,  ông Vĩnh cho biết, hầu hết doanh nghiệp sẽ sử dụng chữ ký số của một đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi sử dụng chữ ký số và chứng thực ký số rồi thì nội dung trong hợp đồng sẽ đảm bảo được tính toàn vẹn, có nghĩa là không thể nào một trong hai bên khi chuyển hợp đồng qua lại có thể thay đổi thông điệp, thông tin trong hợp đồng. Vì vậy, tính pháp lý của hợp đồng được đảm bảo.

“Việc giao kết qua phương thức hợp đồng điện tử không phải là yếu tố chứng minh giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử. Hợp đồng có giá trị hay không có giá trị thì cần phải xem xét trên các yếu tố cụ thể về mặt nội dung hợp đồng. Còn hình thức giao kết có thể lựa chọn bằng giấy, bằng phương thức điện tử,” ông Vĩnh nói.

Ông Mai Vị Hoàng, Giám đốc Công nghệ thông tin, Công ty TNHH Ford Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu tìm hiểu về giải pháp ký kết hợp đồng điện tử và áp dụng từ tháng 6 vừa qua. Qua một buổi đào tạo, doanh nghiệp có thể triển khai sử dụng giải pháp trong vòng một ngày. Cho tới nay, hoạt động ký kết điện tử đã được sử dụng rộng rộng tại Ford Việt Nam với số lượng hàng chục ngàn hồ sơ sẽ được ký kết trong vòng một năm, ước tính giúp tiết kiệm hàng chục ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Ngoài việc tiết kiệm thời gian cho hoạt động ký kết, giải pháp này còn giúp tiết kiệm chi phí in ấn, chuyển phát, không gian lưu trữ dữ liệu.

Còn ông Nguyễn Mạnh Tuân, Trưởng phòng Phát triển ứng dụng của Công ty cổ phần Xây dựng Số 1 (Cofico) chia sẻ doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng phạm vi ký kết điện tử, cải tiến, điều chỉnh để tích hợp với hệ thống nội bộ, cũng như với các bên liên quan. Ký hợp đồng điện tử giúp không cần in hồ sơ, không cần chuyển phát hồ sơ (người phê duyệt nhận email thông báo và thông tin truy cập), ký phê duyệt như trong thực tế, theo dõi được tiến trình ký hồ sơ, tránh rủi ro thất lạc… Theo tính toán của doanh nghiệp, chi phí cho việc ký kết một hợp đồng truyền thống vào khoảng 300.000-350.000 đồng/hồ sơ, còn với việc ứng dụng giải pháp số thì chi phí giảm xuống còn 100.000 đồng/hồ sơ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới