Thứ Hai, 27/03/2023, 20:45
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Dịch cúm heo lan rộng, WHO nâng mức cảnh báo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch cúm heo lan rộng, WHO nâng mức cảnh báo

Thái Bình

Đeo khẩu trang ở nơi công cộng là một biện pháp đơn giản để phòng bệnh. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) Chỉ sau vài ngày, dịch cúm heo đã lan sang tận châu Âu, WHO nâng mức cảnh báo toàn cầu lên cấp độ 4, nhiều nước tăng cường các biện pháp ngăn chặn và thị trường bắt đầu biến động mạnh. 

Dịch cúm heo tiếp tục lan rộng với tốc độ nhanh. Tại Mexico, nơi phát xuất dịch, số ca tử vong đã tăng thêm một phần ba trong ngày hôm qua, lên 152 trường hợp.

Tại Mỹ đã ghi nhận được 50 ca nhiễm bệnh, riêng tiểu bang California có 13 trường hợp, trong đó chưa có trường hợp nào tử vong và chỉ có 1 trường hợp phải theo dõi tại bệnh viện. Ngoài ra, đã ghi nhận được 29 trường hợp nhiễm cúm ở các nước khác, gồm 6 trường hợp ở Canada, 1 ở Tây Ban Nha, 2 ở Scotland, 13 trường hợp nghi ngờ ở New Zealand. Pháp và Israel mỗi nước có 1 trường hợp theo dõi.

Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Peter Cordingley, chỉ ra việc đi lại bằng máy bay là phương thức dễ nhất để vi rút lây lan.

Triệu chứng của bệnh cúm heo là sốt cao trên 100 độ F (37,78 độ C), ho nhiều, đau xương khớp, nhức đầu và một số trường hợp khác có nôn mửa hoặc tiêu chảy. Theo bác sĩ Richard Besser, quyền giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Mỹ, cách tốt nhất để phòng bệnh là thực hiện vệ sinh hàng ngày, siêng rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi và không đi học đi làm nếu thấy khó chịu trong người.

Tin tốt là theo báo cáo của các bệnh viện lớn nhất ở Mexico, số bệnh nhân nhập viện vì bệnh cúm heo đã giảm liên tiếp trong 3 ngày qua, từ 141 ca hôm thứ Bảy (25-4) giảm xuống 119 ca hôm Chủ nhật và 110 ca hôm qua thứ Hai (27-4).

Thế giới tăng cường ứng phó

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay nâng cấp cảnh báo dịch cúm heo lên mức 4 trên thang báo động 6 cấp của WHO, chứng tỏ tình hình đã rất nguy kịch. Đây là lần đầu tiên WHO đặt mức báo động cấp 4 cho một đại dịch toàn cầu; ở cấp này đã xác định được vi rút đã lây lan từ người sang người và làm bùng nổ dịch gây tử vong ở ít nhất một quốc gia.

Tổng thống Mỹ Barck Obama nói, sự bùng nổ dịch cúm “chưa phải là nguyên nhân báo động” ngay cả khi Mỹ đẩy mạnh việc kiểm soát mọi người qua lại biên giới Mỹ-Mexico và khuyến cáo dân Mỹ tránh những chuyến đi không thiết yếu đến Mexico. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Janet Napolitano cho biết đã cử người và thiết bị tới những vùng có dịch bệnh và đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin ở mọi cấp chính quyền và với các quốc gia khác.

Ủy viên y tế Liên hiệp châu Âu khuyến cáo công dân châu Âu tránh đi du lịch Mexico và một số nới ở Mỹ.

Nga, Hồng Kông và Taiwan cho biết sẽ thực hiện cách ly những du khách nào có triệu chứng nhiễm vi rút. Nga, Trung Quốc và Philippines đã bắt đầu cấm nhập khẩu thịt heo từ Mexico và Mỹ mặc dù các chuyên gia cho rằng không có mối liên hệ trực tiếp giữa việc nhiễm bệnh và việc ăn thịt heo.

Các nước châu Á đối phó tích cực nhất. Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều đã triển khai thiết bị theo dõi thân nhiệt tại các sân bay và kiểm tra kỹ hành khách đến từ Bắc Mỹ.

Tại Nhật, các bác sĩ, y tá và viên chức chính phủ còn lên tận máy bay đến từ Mỹ, Mexico và Canada để kiểm tra các hành khách có dấu hiệu bị sốt.

Tác động đến thị trường

Thị trường chứng khoán Mỹ và Âu châu có đợt bật lên lại sau khi mất điểm đầu phiên giao dịch hôm nay thứ Ba 27-4, nhờ giá cổ phiếu của các hãng dược phẩm tăng mạnh khi nhà đầu tư kỳ vọng các chính phủ sẽ tăng cường mua và tích trữ các loại thuốc chống vi rút. Trong khi đó giá cổ phiếu ngành hàng không, khách sạn và du lịch bị giảm.

Trong khi đó các thị trường chứng khoán châu Á lại giảm điểm sau khi tăng nhẹ hồi đầu phiên. Đồng yen Nhật tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần lễ so với đồng euro châu Âu và mức cao nhất trong một tháng so với đô la Mỹ vì nhà kinh doanh tiền tệ muốn né tránh các đồng tiền có rủi ro cao.

Giá dầu thô giảm thêm 1 đô la Mỹ mỗi thùng vì giới kinh doanh lo ngại dịch cúm sẽ gây thêm khó khăn cho nền kinh tế đã bị suy thoái trầm trọng và làm tắc nghẽn ngành vận tải hàng không. Những hy vọng mong manh  về một sự hồi phục của kinh tế thế giới giờ đây bị hoài nghi.

Năm ngoái Ngân hàng Thế giới dự báo một đại dịch cúm gia cầm có thể khiến thế giới mất đi 3.000 tỉ đô la và làm tổng sản lượng toàn cầu sụt giảm 5%. Năm 2003, dịch SARS (hội chứng viên đường hô hấp cấp) bùng nổ, kéo dài 6 tháng và gây tử vong cho 775 người trong tổng số 8.000 người mắc bệnh ở 25 quốc gia, nhưng đã khiến các nước châu Á-Thái Bình Dương mất đi 40 tỉ đô la Mỹ.  

(tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới