Thứ Tư, 7/06/2023, 23:52
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đích đến mới là quan trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đích đến mới là quan trọng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Các nhà soạn thảo đã không đưa vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định về vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Đây là một trong những điểm mới của bản dự thảo lần này và nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định đó là quyết định đúng.

Tuy nhiên, khi dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến, vẫn còn một số người không tán thành việc bỏ đi quy định về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Phía không ủng hộ cho rằng, sở hữu toàn dân mà trong đó kinh tế nhà nước là thành phần chủ đạo, là nền tảng để xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, không có kinh tế nhà nước thì không có chủ nghĩa xã hội.

Lập luận như vậy là chưa đúng. Trong mô hình xã hội mà chúng ta đang theo đuổi, điều quan trọng nhất không phải là trong xã hội đó có những thành phần kinh tế nào và ai là đầu tàu, là động lực, mà ở mục đích chúng ta muốn đạt được là gì? Cương lĩnh 1991 của Đảng cũng như văn kiện Đại hội IX đã xác định mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Mục tiêu “dân giàu” đã được đưa lên trên cùng, cho thấy đây là đích đến có vai trò quan trọng hàng đầu trong mô hình xã hội mà chúng ta đang hướng đến, cũng như vai trò động lực, dẫn dắt của nó trong việc thực hiện các mục tiêu còn lại. Vì vậy, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì điều quan trọng cần phải làm trước tiên là làm cho dân giàu. Đây mới là nền tảng.

Thực tế đã chứng minh, kinh tế dân doanh có phát triển mạnh thì nền kinh tế mới đi lên. Đó là lý do chúng ta phải chuyển sang thực hiện Khoán 10 trong nông nghiệp, rồi trao đất đai vào tay nông dân. Đó là lý do vì sao chúng ta phải thực hiện chính sách đổi mới, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế phát triển. Đảng và Chính phủ cũng nhiều lần khẳng định đổi mới là chủ trương đúng, kịp thời và sáng suốt, giúp đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng vào cuối những năm 1980 và thoát cảnh nghèo đói cho hàng triệu nông dân và dân nghèo thành thị.

Đã gọi là kinh tế thị trường thì phải có cạnh tranh. Ở đó, mọi thành phần kinh tế phải được bình đẳng, cạnh tranh một cách minh bạch với nhau theo pháp luật. Và, mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội để phát triển như nhau, có cơ hội để đóng góp cho nền kinh tế như nhau. Doanh nghiệp nào quản lý giỏi, kinh doanh giỏi thì sẽ phát triển và lớn mạnh, trở thành đầu tàu để thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Thế nên, việc đưa vào Hiến pháp thành phần kinh tế nào là đầu tàu, là chủ đạo là không cần thiết.

Bỏ quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong dự thảo Hiến pháp là quyết định phù hợp với thực tế. Đó là quyết định giúp tạo lập môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, để tất cả cùng đóng góp tốt hơn cho đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nói cách khác, thông qua làm giàu cho bản thân và cho đất nước, mỗi người dân và mỗi doanh nghiệp, dù là ở khu vực nhà nước hay tư nhân, đang góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới