Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch nCoV ở Trung Quốc, cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch nCoV ở Trung Quốc, cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Nếu Việt Nam kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch bệnh do nCoV, ngành gỗ có thể vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng xuất khẩu gỗ thế giới.

Dịch nCoV ở Trung Quốc, cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam
Nếu Việt Nam kiểm soát và thực hiện tốt việc phòng chống dịch nCoV, ngành gỗ sẽ có dấu hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu trong thời gian sắp tới. Ảnh minh họa: Báo Công Thương

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho hay, dịch bệnh do chủng mới virus corona (nCoV) đang khiến nhiều ngành kinh tế khốn đốn vì việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc bị đình trệ nhưng ngành gỗ lại không rơi vào tình thế gian nan này.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành gỗ và nội thất đã đảm bảo được trên 70% gỗ nguyên liệu trong nước, phần còn lại chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi, Mỹ, Canada, New Zealand. Hiện tại, một số nhà sản xuất trong nước có đơn hàng nhập gỗ ván từ Trung Quốc nhưng có nhiều sự lựa chọn khác đến từ nguồn cung trong nước và từ Thái Lan, Malaysia. Các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đồ nội thất như tay nắm, ray, ốc vít, vải cho sofa…  được nhập từ Trung Quốc nhưng với số lượng không lớn nên không gây tác động đến quá trình sản xuất, từ đó không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất của toàn ngành.

"Trong nguy có cơ, vẫn có những dấu hiệu tích cực cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam từ đợt bùng phát dịch bệnh nCoV trên toàn cầu nếu Việt Nam kiểm soát dịch tốt", ông Hạnh nói.

Các nhà mua hàng lớn luôn có phương án dự phòng, khi có sự cố họ sẽ tìm nguồn cung sẵn sàng thay thế cho nguồn hàng được sản xuất từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh chưa được kiểm soát tại nền kinh tế 1,4 tỉ dân này và không biết khi nào hoạt động sản xuất mới trở lại bình thường. Tất cả các hội chợ trong giai đoạn đầu năm 2020 tại Trung Quốc đều bị hủy bỏ. Và các nhà mua hàng đang có phương án đa dạng nguồn cung tránh rủi ro phụ thuộc vào một thị trường.

Theo Hawa, hồi đầu năm 2019 các nhà mua hàng của Mỹ đã trữ lượng hàng khá lớn trước thời điểm tăng thuế trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đến nay nguồn hàng hóa này cũng đã cạn, thời điểm này họ cần nhập nguồn hàng lớn. Đông Nam Á là lựa chọn tốt vào lúc này và Việt Nam là một trong những thị trường cung hàng được quan tâm, hy vọng năm 2020 Việt Nam sẽ là điểm đến cho các nhà mua hàng đồ gỗ và nội thất thế giới.

Theo báo cáo về triển vọng đồ nội thất thế giới của Trung tâm nghiên cứu Công nghiệp CSIL, năm 2019, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất với con số 54,3 tỉ đô la Mỹ, trong khi Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đạt 10,9 tỉ đô la Mỹ.

Hawa cho rằng nếu ngành gỗ giữ vững tốc độ phát triển và tận dụng tốt thời cơ từ thị trường toàn cầu, Việt Nam có thể vươn lên ngôi vị thứ 2 trong bảng xếp hạng toàn cầu về giá trị xuất khẩu đồ nội thất năm 2020, vượt qua Đức, Ba Lan và Ý.

Mặc dù vậy, không phải tự dưng đơn hàng sẽ đến với bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo ông Hạnh, chỉ những doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn hàng, ứng phó, thích ứng nhanh nhu cầu khách hàng, có mẫu mã tốt và tăng cường ứng dụng nền tảng thương mại trực tuyến thì sẽ tận dụng tốt các cơ hội từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh nCoV. Hội chợ Vifa Expo sắp diễn ra tại TPHCM sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất  đồ nội thất trong nước tiếp cận được nhà mua hàng quốc tế khi họ đang khẩn trương tìm nguồn hàng thay thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới