Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch vụ công, sao phải thu tiền dân để “có lãi”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch vụ công, sao phải thu tiền dân để “có lãi”?

Minh Đức

Dịch vụ công, sao phải thu tiền dân để “có lãi”?
Nhiều dịch vụ công chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Ảnh: TL SGT

(TBKTSG Online) – Các đại biểu quốc hội, khi đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật phí, lệ phí hôm 18-6, cho rằng không nên để cụm từ “có lợi nhuận phù hợp” trong nguyên tắc thu lệ phí.

Điều 6, dự thảo quy định, “lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan hành chính nhà nước phục vụ công việc quản lý nhà nước”.

Điều 7 dự thảo luật nêu rõ, “mức thu phí được xác định là đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách nhà nước trong từng thời kỳ”.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Trà Vinh cho rằng, theo phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, tất cả các khoản phí người dân phải trả để được sử dụng, cung cấp dịch vụ công do các cơ quan nhà nước hay đơn vị sự nghiệp cung cấp. Khoản phí đó để đảm bảo bù đắp những chi phí hợp lý của cơ quan tạo ra dịch vụ công đó.

“Vậy mà ở đây lại xác định là người dân phải trả thêm một khoản tiền nữa gọi là mức lợi nhuận phù hợp cho cơ quan nhà nước là điều hết sức vô lý” – ông Tuấn nói.

Ông thẳng thắn bác bỏ ý kiến của Ban soạn thảo khi cho rằng thu phí cần tính đến mức lợi nhuận phù hợp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư cung cấp dịch vụ công. Theo ông, khi chúng ta tiến hành xã hội hóa các loại dịch vụ công, lúc đó các cơ quan nhà nước sẽ tiến hành thẩm định, phê duyệt phương án thu, mức thu phí đối với từng dịch vụ công cụ thể trước khi triển khai thực hiện, không cần phải quy định nguyên tắc xác định mức thu phí phải có lợi nhuận phù hợp.

“Hiện tại tiền lương của các tổ chức, cá nhân cung cấp những dịch vụ đó từ ngân sách, tiền của ngân sách là tiền của dân nên người dân chỉ cần phải trả các khoản tiền để bù đắp chi phí hợp lý là đủ, không cần phải trả thêm bất kỳ một mức lợi nhuận phù hợp nào nữa”, ông nói.

Cùng quan điểm đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, với cách xác định trên, phí đã phần nào chuyển sang bản chất của giá vì đã bao gồm cả chi phí và lợi nhuận. Như vậy, sẽ dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau và dễ lạm dụng trong quá trình thực hiện.

Ông gợi ý, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch vụ công mới, cùng với nó là sự thay đổi phương thức quản lý nhà nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội. Quá trình xã hội hóa này cần được nghiên cứu, bổ sung theo hướng giao các tổ chức doanh nghiệp xã hội, (tổ chức phi lợi nhuận và đã được quy định trong luật doanh nghiệp) đứng ra làm dịch vụ công thay cho nhà nước. Một số loại hình dịch vụ tổ chức, cá nhân đầu tư thu phí, tính toán trên cơ sở chi phí và được hưởng một khoản lợi nhuận định mức hợp lý. Một số loại hình chuyển sang cơ chế giá, dịch vụ và có sự kiểm soát của Nhà nước

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) băn khoăn: “Giá dịch vụ công mà lại đưa lợi nhuận vào. Theo Điều 11, lợi nhuận lại không thu thuế, nếu đã có lợi nhuận thì phải đóng thuế là đương nhiên. Như vậy, mâu thuẫn giữa hai điều này.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lập luận, bản chất của một khoản phí chỉ là khoản thu ngân sách mang tính bổ sung, hỗ trợ và bù đắp cho các khoản chi phí quản lý, không nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Các dịch vụ công là trách nhiệm của nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ cá nhân, tổ chức mà không nhằm mục đích có lợi nhuận như một đơn vị kinh doanh. Nếu để nguyên tắc có lợi nhuận phù hợp trong nguyên tắc thu phí thì sẽ biến những khoản phí thành một khoản thu vượt quá mục tiêu ban đầu là bù đắp chi phí và có thể sẽ bị đội lên mức phí quá cao so với thu nhập cũng như lợi ích mà người dân và tổ chức được hưởng.

Theo ông các dịch vụ công không có cơ chế cạnh tranh như thị trường, người dân không có cơ hội lựa chọn dịch vụ trong khi họ phải gánh chịu khoản phí để nhà nước có được lợi nhuận hợp lý là chưa tính đến lợi ích của đại đa số người dân và tổ chức, chưa giải quyết câu hỏi đặt ra ở phần đầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, không phải khi chúng ta cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí. “Nếu chúng ta muốn xã hội hóa thì tách ra, không nên nhập nhằng điều này, rất phản cảm và người dân hoàn toàn không đồng tình về vấn đề này”, bà nói.

TP HCM sẽ thu phí sử dụng đường bộ ở mức 0 đồng 

Cũng tại phiên thảo luận ngày 18-6, nhiều đại biểu băn khoăn và đề nghị bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao, công tác hành thu phức tạp, quản lý thu và sử dụng nguồn thu kém hiệu quả.

Đặc biệt, phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện xe mô tô được một số đại biểu nhắc tới và đề nghị bãi bỏ.

Đại biểu Quyết Tâm (TP HCM) thẳng thắn cho rằng  khoản phí này vừa không hợp lý, vừa thiếu tính công bằng, vừa khó công khai minh bạch, khó hiểu và khó thực hiện trong thực tiễn.

Tại giờ giải lao của phiên họp quốc hội, bà Quyết Tâm, đồng thời là Chủ tịch HĐND TP HCM đã gặp Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và đề nghị dừng thu khoản này.

“Tôi rất mong Bộ trưởng quan tâm đến đề nghị của nhân dân TPHCM chứ không phải của riêng gì cá nhân tôi vì nó không hợp lý, rất khó để thực hiện trong giai đoạn hiện nay”.

Bà cho biết, "một lẽ nữa mà chúng tôi ít có cơ hội nói với Bộ trưởng và về sự thiếu công bằng mà người dân, cử tri đã nói với tôi là cán bộ lãnh đạo đi làm bằng xe ô tô của cơ quan, xe ô tô phải đóng phí do ngân sách nhà nước trả, còn với người dân, xe máy cũng là phương tiện mà bản thân họ lại phải trả phí đó. Lý do khác, người đi xe máy thì đi đường đất, mưa thì lầy, nắng thì bụi thì cũng phải trả phí bằng người đi trên đường đẹp, như thế là thiếu công bằng nhiều lắm. Mong Bộ trưởng xem xét lại."

Đáp lại Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ông hoàn toàn chia sẻ với những băn khoăn này. Bộ trưởng khẳng định, nhà nước chỉ quy định mức thu tối đa, không quy định mức tối thiểu với loại phí này, có nghĩa HĐND tỉnh, thành có quyền quyết định mức thu bằng 0 đồng (tức là không thu). Phí này cũng dành để bảo trì đường của địa phương chứ không phải quốc lộ. Còn địa phương để đường lầy lội, kém chất lượng là trách nhiệm của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, nếu có quy định mới như vậy về mức thu này thì nhất định HĐND TPHCM sẽ áp dụng mức thu bằng 0.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới