Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch vụ công trực tuyến: người kỳ vọng, kẻ thờ ơ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch vụ công trực tuyến: người kỳ vọng, kẻ thờ ơ

Vân Oanh

Dịch vụ công trực tuyến: người kỳ vọng, kẻ thờ ơ
Các doanh nghiệp đang xếp hàng chờ khai thuế. Ảnh: Vân Oanh

(TBKTSG Online) – Lượng dịch vụ công trực tuyến đang được cung cấp ngày càng nhiều. Song qua số liệu điều tra khảo sát cho thấy, đang có bức tranh trái ngược trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi doanh nghiệp FDI kỳ vọng nhiều vào việc cung cấp các dịch vụ này thì doanh nghiệp Việt lại khá thờ ơ.

>> Gần 95.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG công bố tại hội nghị chính phủ điện tử diễn ra vào ngày 28-8 tại Hà Nội cho thấy, chỉ số hài lòng của các doanh nghiệp FDI vào dịch vụ công tại Việt Nam còn thấp.

Chất lượng dịch vụ công cần được nâng cấp

Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG ASEAN cho biết, kết quả khảo sát cho thấy có 43% các doanh nghiệp FDI vẫn thực hiện các dịch vụ công theo phương thức trực tiếp mặt đối mặt (face to face), 18% thực hiện các dịch vụ công qua điện thoại, 31% qua các đơn vị thứ 3 cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoặc qua thư điện tử… phần lớn các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công ở cấp quận huyện, còn lại sử dụng ở cấp thành phố.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những dịch vụ công trực tuyến mà doanh nghiệp FDI thực hiện thường xuyên nhất thì có 43% là các dịch vụ thuế (khai thuế, đóng thuế, làm thủ tục thuế,..); 25% là các dịch vụ hải quan, 20% là dịch vụ về đăng ký kinh doanh, 5% là kho bạc…

Bên cạnh đó, ông Tâm còn cho biết: “Mỗi năm, tính trung bình thời gian các doanh nghiệp trên thế giới dành thời gian cho việc nộp thuế là 267 giờ thì các doanh nghiệp Việt Nam phải mất tới 832 giờ để làm việc này do chưa ứng dụng mạnh các dịch vụ công trực tuyến về thuế.”

Như vậy, thời gian dành cho việc nộp thuế của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Bởi mỗi năm doanh nghiệp Singapore chỉ mất khoảng 80 giờ đồng hồ cho việc nộp thuế, Malaysia 133 giờ, Philippines 193 giờ, Indonesia 259 giờ, Thái Lan 264 giờ…

Trong bản báo cáo của ông Tâm còn cho thấy thời gian làm các thủ tục thuế của Việt Nam có cải thiện nhưng rất chậm so với quốc gia láng giềng là Trung Quốc. Năm 2004 thời gian nộp thuế của doanh nghiệp Trung Quốc là 832 giờ thì đến năm 2011 giảm còn 338 giờ. Trong khi đó những năm gần đây Việt Nam mới giảm được có 69 giờ, còn 832 giờ.

Nói về thời gian các doanh nghiệp FDI thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về thuế, ông Tâm cung cấp các số liệu sau: có 14% các doanh nghiệp thực hiện khai thuế với thời gian hơn 30 phút cho một nhân viên; 29% dành thời gian từ 10-30 phút, 57% sử dụng khoảng thời gian từ 1-10 phút. Và các doanh nghiệp cho biết khi thực hiện thủ tục này gặp những khó khăn như: khâu đăng ký và phản hồi không kết nối với nhau, hồ sơ thay đổi thường xuyên, biểu mẫu không thống nhất, các dịch vụ công được cung cấp với thông tin không đầy đủ…

Kết quả khảo sát còn cho thấy, có 86% các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến hơn 10 lần mỗi năm, 9% sử dụng dưới 10 lần, số phần trăm còn lại không bao giờ sử dụng… do cho rằng việc khai thuế còn rắc rối, mạng còn nghẽn, thực hiện còn nhiều khó khăn… nên thông qua bên thứ ba để sử dụng dịch vụ cho nhanh.

Và có 62% doanh nghiệp FDI muốn có sự cải thiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến về thuế tại Việt Nam, 20% muốn cải thiện dịch vụ công trực tuyến về hải quan, 23% doanh nghiệp cho rằng các cơ quan công quyền phải nâng cấp hạ tầng CNTT và xây dựng lại phương pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao mức độ hài lòng của các doanh nghiệp.

Được biết, IDG đã tiến hành khảo sát trên trong 8 tháng qua tại 2.570 doanh nghiệp FDI với nhiều ngành nghề khác nhau.

Doanh nghiệp nội không tha thiết với dịch vụ công

Trong khi các doanh nghiệp FDI quan tâm và kỳ vọng nhiều vào các dịch vụ công trực tuyến thì một cuộc điều tra được Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Thông tin Truyền thông thực hiện và công bố mới đây lại cho thấy nhiều doanh nghiệp nội không quan tâm và không biết về các dịch vụ công được cung cấp.

Theo đó, trong số các dịch vụ công trực tuyến đang được cung cấp cho doanh nghiệp, những dịch vụ được sử dụng nhiều nhất là: dịch vụ đăng ký kê khai thuế, đăng ký kinh doanh, đăng ký khai báo hải quan và đấu thầu trực tuyến.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp không biết đến dịch vụ công trực tuyến: có hơn 17% doanh nghiệp được hỏi không biết đến dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến, hơn 22% doanh nghiệp không biết có dịch vụ đăng ký khai báo hải quan từ xa, gần 26% doanh nghiệp không biết thông tin về đấu thầu trực tuyến, 8% doanh nghiệp không biết thông tin về dịch vụ đăng ký kê khai thuế trực tuyến…

Vẫn theo kết quả khảo sát của Cục ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ có số doanh nghiệp không sử dụng nhiều nhất là đấu thầu trực tuyến (hơn 59%), tiếp đến là đăng ký khai báo hải quan từ xa (hơn 57%), đăng ký kinh doanh trực tuyến (50%) và đăng ký kê khai thuế trực tuyến (gần 23%).

Khảo sát này được tiến hành trên cả nước nhằm biết được về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mức độ ứng dụng CNTT, hiệu quả ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp. Cuộc điều tra được thực hiện tại nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau (tư nhân, nhà nước) với ngành nghề kinh doanh đa dạng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới