Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điểm danh cổ phiếu tăng “bất thường” giữa tâm bão nCoV

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điểm danh cổ phiếu tăng “bất thường” giữa tâm bão nCoV

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Chiếm phần lớn trong số Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh trong các phiên giao dịch đầu năm 2020, đều là những công ty ít tên tuổi trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý e ngại bởi sự lan rộng của dịch nCoV trên toàn cầu.

Giữa hai chiều cổ phiếu mùa dịch: Xu hướng dài hạn hay tâm lý ngắn hạn?

Thị trường chứng khoán diễn biến thế nào trong các đại dịch

Đầu tư chứng khoán: đừng chơi theo kiểu 'đỏ đen'

Cảm giác mất mát của chứng khoán bao giờ qua?

Điểm danh cổ phiếu tăng
Nguồn: Vietstock.

Cổ phiếu y tế và khai khoáng tăng mạnh

Với mức tăng hơn 88,2%, cổ phiếu DNM của Công ty cổ phần Công ty cổ phần Y tế Danameco dẫn đầu thị trường về tốc độ tăng giá cổ phiếu từ phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán tính đến hết phiên giao dịch ngày 7-2, tức thứ 6 tuần trước. Theo đó, cổ phiếu DNM đã tăng liên tiếp 7 phiên, trong đó có 6 phiên tăng trần, đưa thị giá từ mức 8.500 vọt lên đến 16.000 đồng/cổ phiếu.

Tiền thân là Trạm Vật tư y tế Quảng Nam – Đà Nẵng và cổ phần hóa từ năm 2005, DNM là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc, thiết bị vật tư y tế, liên quan đến hóa chất và dịch vụ tẩy trùng và xử lý môi trường. Được quảng bá về năng lực sản xuất vật tư y tế, trong đó có khẩu trang y tế, là một trong những nguyên nhân quan trọng giải thích cổ phiếu DNM tăng mạnh trong thời gian qua, khi thị trường loạn giá khẩu trang.

Có quy mô vốn điều lệ thấp nhưng DNM cũng có thể được xem là cổ phiếu "dị thường" khi kết quả kinh doanh tăng vọt trong năm qua. Theo báo cáo tài chính quí 4-2019 (chưa kiểm toán), doanh thu thuần năm 2019 đạt 356 tỉ đồng, tăng gần 2,2 lần so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 8,7 tỉ đồng, tăng hơn 2,2 lần. Tuy nhiên, cần chú ý thêm là giá trị khoản phải thu của doanh nghiệp dược ở Đà Nẵng này cũng tăng mạnh 49% so với cùng kỳ, lên mức 79.863 tỉ đồng.

Đáng chú ý là trong Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh sau Tết Nguyên đán thì gần như chỉ có DNM là hoạt động trong lĩnh vực y tế, còn lại chia đều nhiều lĩnh vực khác.

Chẳng hạn như lĩnh vực khai khoáng có Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC ( mã cổ phiếu GAB), Công ty cổ phần khai khoáng SPI; hay lĩnh vực tài chính như Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (mã API), công ty chứng khoán BIDV (mã BSI) và nhiều ngành nghề khác như Công ty Điện Nước Lắp máy Hải Phòng (DNC), Thủy sản Camimex (CMX), Công ty cổ phần Điện cơ Hải Phòng (DHP).

Trải rộng nhiều ngành nghề, có thể thấy việc nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh trong những phiên giao dịch đầu tiên sau Tết có vẻ không liên quan đến những thông tin về dịch viêm phổi cấp Vũ Hán.

Thêm nữa, có thể nhận thấy các cổ phiếu tăng giá mạnh ở đây đa phần đều thuộc sàn chứng khoán Hà Nội, có quy mô vốn hóa nhỏ. Trong đó thậm chí có nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá như MCF, BSI hay xuất hiện một số mã cổ phiếu đang bị cảnh báo (như API). Bất thường hơn cả là cổ phiếu SPI có mức giá ngang “trà đá”, đạt 1.000 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm này cũng xuất hiện cổ phiếu GAB thuộc "họ" FLC. Ngoài việc tăng 40% trong 8 phiên giao dịch qua, cổ phiếu này đã tăng mạnh ở những phiên giao dịch trước đó. Từ đầu năm đến nay, GAB đang "tái cấu trúc" qua các hoạt động đổi tên, sửa đổi điều lệ công ty, đăng ký thêm ngành nghề hoạt động (năng lượng tái tạo, quản lý tài sản, du lịch, bất động sản, vận tải hàng không,…), dự kiến tăng vốn thêm 552 tỉ đồng từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cổ phiếu dược phẩm tăng trưởng dưới mức bình quân chung của thị trường chứng khoán trong năm qua. Nguồn: SSI.

Kỳ vọng vào tín hiệu tích cực

Hiện thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV). Tương tự các quốc gia khác, Việt Nam cũng đang tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh. Lĩnh vực y tế trên thị trường chứng khoán vì vậy được giới đầu tư đánh giá là tích cực do nhu cầu thuốc điều trị, vật tư y tế tăng lên. Tuy nhiên, các hoạt động của các lĩnh vực kinh tế khác đang chững lại cũng mang đến tâm lý lo ngại chung cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán, bình luận rằng các cổ phiếu “ăn theo” hiện nay được hưởng lợi “sóng ngắn”, nhưng về lâu dài thì khó mà bền vững được.

Trên thực tế, trong những phiên giao dịch đầu năm, những cổ phiếu ngành dược có giá trị vốn hóa lớn như IMP, DHG cũng tăng vọt nhưng đã có sự điều chỉnh lại trong vài phiên gần đây. Chẳng hạn thị giá IMP (công ty cổ phần Imexpharm) chỉ tăng 9,6% qua 8 phiên giao dịch đầu năm mới.

Cục quản lý Dược Việt Nam (DAV) ước tính tổng giá trị ngành dược phẩm đạt 7,7 tỉ đô trong năm 2021, được SSI dẫn lại. Công ty chứng khoán này cũng ước giá trị thị trường tăng 9-10% trong năm nay. “Ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng, do xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe tăng thêm, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và tăng tuổi thọ trung bình”, báo cáo của SSI nhận định.

Dù vậy, theo đánh giá của SSI, cổ phiếu dược phẩm có diễn biến tích cực nhờ tâm lý thị trường trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn thì chỉ ở mức "trung lập". "Hiện tại chúng tôi không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt cơ bản đối với các công ty dược niêm yết do dịch nCoV, vì vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm Trung lập với lĩnh vực này trong năm 2020”, báo cáo của SSI nhận định.

Thêm một điều đáng quan tâm là các chuyên gia đều lo ngại về việc năng lực cạnh tranh các công ty dược nội địa hiện tại thấp hơn các công ty ngoại, đặc biệt phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu dược phẩm nhập khẩu (khoảng 80%-90%). “Các công ty trong ngành dược phẩm có thể phải đối mặt với việc giá nguyên phụ liệu tăng cao, cũng như đối mặt với rủi ro tỷ giá”, SSI đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới