Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung: Rút ngắn thời gian hay làm khó thêm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung: Rút ngắn thời gian hay làm khó thêm

Tâm An

(TBKTSG Online) – Các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại các cảng biến, hàng không nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cũng như tiết giảm chi phí nhờ giảm thời gian lưu kho, lưu bãi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhưng hiện hoạt động không hiệu quả, nên đã có ý kiến kiến nghị bỏ địa điểm này.

Điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung: Rút ngắn thời gian hay làm khó thêm
Văn phòng Quatest3 tại điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung ở cảng Cát Lái ngày khai trương hôm 14-1-2016. Đến nay thì mọi thứ đã rất khác. Ảnh: Minh Tâm.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo về môi trường kinh doanh diễn ra mới đây cho biết, đã có kiến nghị bỏ điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung nằm tại một số cảng biển, cảng hàng không trên cả nước. Nguyên nhân là các điểm kiểm tra chuyên ngành này hoạt động không hiệu quả.

“Tôi từng có mặt tại điểm kiểm tra chuyên ngành đặt tại Chi cục Hải quan Cát Lái, TPHCM lúc 2 giờ chiều. Dù là giờ làm việc nhưng tất cả các phòng của cơ quan kiểm nghiệm như Quatest3, Vinacontrol… đều đóng cửa. Tôi cũng trao đổi với các cơ quan này về lý do thì họ cho biết là chi phí thuê văn phòng, nhân sự còn cao hơn cả phí kiểm nghiệm thu được”, bà Thảo mô tả.

Điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung là địa điểm nằm tại cảng biển, cảng hàng không, có đồng thời nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành như Viện Y tế công cộng; Trung tâm Thú y; Trung tâm kiểm dịch thực vật; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng… đã được thành lập từ cuối năm 2015, đầu 2016 theo Quyết định 2026 của Chính phủ tại một số chi cục hải quan thuộc TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng….

Mục tiêu là để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cũng như tiết giảm chi phí nhờ giảm thời gian lưu kho, lưu bãi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa (giảm việc đi lại của đại diện doanh nghiệp và cán bộ lấy mẫu hàng hóa khi các cơ quan kiểm nghiệm thường đặt ở nội thành với cảng ở ngoại thành; thời gian chờ đợi kết quả). Tất nhiên, không phải tất cả các loại hàng hóa đều có thể được lấy mẫu và trả kết quả ngay tại cảng với các cơ quan chuyên ngành mà còn tùy mức độ phức tạp và quy mô mẫu.

Trước thời điểm bà Thảo nói về việc kiến nghị bỏ các điểm kiểm tra chuyên ngành thì các chuyên gia cũng như ngành hải quan cũng đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế của địa điểm này.

Ví dụ, như tại điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các cá nhân nhận quà biếu của người thân từ nước ngoài gửi về có giá trị hàng hóa dưới 2 triệu đồng có thể thực hiện các thủ tục kiểm tra về vệ sinh dịch tễ ngay, nhận kết quả ngay. Tuy nhiên, với hàng thương mại hoặc hàng quà biếu có giá trị trên 2 triệu đồng thì điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung chỉ tiếp nhận đăng ký kiểm tra, còn các thủ tục sau đó vẫn phải chuyển về trụ sở chính. Nguyên nhân là do không đủ máy móc, thiết bị thử nghiệm…

Lại cũng có trường hợp, như các ấn bản phẩm do Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm, cũng không thể thực hiện vì không có người đủ trình độ đảm nhiệm vì tại điểm chuyên ngành tập trung thì chỉ có chuyên môn là tiếng Anh.

Trong khi đó, tại điểm kiểm tra chuyên ngành ở cảng Cát Lái thì nhiều cơ quan không bố trí người có thẩm quyền quyết định nên mọi thứ vẫn phải vào trong nội đô.

Vì không có người có đủ thẩm quyền quyết định nên các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung hầu như chỉ tiếp nhận đăng ký và trả kết quả (sau đó nhiều ngày). Bên cạnh đó, số lượng có kết quả ngay vẫn rất ít, không đáng kể so với lượng hàng hóa đi qua.

Điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung cũng được nhận định là chưa tạo ra sự thay đổi lớn, chưa làm cho công tác kiểm tra chuyên ngành nhúc nhích.

Nhìn rộng hơn về công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành, bà Thảo nhận xét, đến thời điểm hiện tại, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm phần trăm (mục tiêu là ít nhất 20 điểm phần trăm); số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chưa giảm đáng kể so với mục tiêu (phải giảm ít nhất một nửa danh mục).

Không những vậy, thực tế còn cho thấy số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành có xu hướng ngày càng mở rộng, quản lý chuyên ngành vẫn chưa thống nhất giữa các bộ, ngành. Hiện có tới 58% mặt hàng thuộc diện kiểm tra đang chịu sự chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong cùng một bộ.

Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra tuy giảm hơn nhưng vẫn còn dài, gây thiệt hại về tiền bạc, cơ hội của doanh nghiệp. Chi phí kiểm tra cũng quá lớn, nhất là phí kiểm tra hiệu suất năng lượng, kiểm dịch thú y…

Số lượng các tổ chức đánh giá sự phù hợp (kiểm nghiệm, giám định, cấp chứng nhận) được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định hạn chế, dẫn đến quá tải và độc quyền.

Các bộ, ngành đã tham gia kết nối trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng chưa thực chất, chủ yếu là thủ tục không thường xuyên.

Được biết, công tác kiểm tra chuyên ngành là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính phủ đã có rất nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ đạo phải cải cách toàn diện công tác này suốt nhiều năm qua.

Xem thêm:

Môi trường kinh doanh: Các quốc gia lân cận đã cải cách và vượt xa Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới