Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điểm ‘nóng’ của Luật Dầu khí: Mỏ dầu khí tận thu và chính sách ưu đãi đầu tư

TH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiều 25-10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội đã nghe ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trước khi đi vào phiên thảo luận. Hai vấn đề được thảo luận nhiều nhất là chính sách khai thác tận thu mỏ dầu và thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều 25-10. Ảnh: Quốc hội

Báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và đã nhận được sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 06 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 04 điều).

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận về bốn nội dung: (1) Điều tra cơ bản về dầu khí; (2) Hợp đồng dầu khí; (3) Hoạt động dầu khí; (4) Chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu.

Chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bỏ quy định về “Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ” và bổ sung Điều 55 quy định về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, phân biệt với chính sách ưu đãi đầu tư dầu khí theo hướng thực sự tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp (thay vì kết thúc sớm, không thực hiện dự án khai thác tận thu).

Về hợp đồng dầu khí, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển… Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo giải trình một số vấn đề liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí và vấn đề quản lý nhà nước, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc. Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 42 về nội dung này.

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa- Vũng Tàu) nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, đại biểu cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.

Đối với hợp đồng dầu khí, một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) các quy định để đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, không chỉ giới hạn ở hình thức hợp đồng dầu khí truyền thống như hiện nay mà cho phép áp dụng cả những hình thức khác, chẳng hạn hợp đồng cấp phép, hợp đồng dịch vụ điều hành phi lợi nhuận… theo nguyên tắc cả Nhà nước và nhà đầu tư cùng có lợi.

Dự thảo Luật vẫn cần phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp nhận chuyển giao quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt. Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang), cần nghiên cứu thiết kế theo hướng tách khoản về nội dung này trong dự thảo Luật thành một Điều luật riêng về nhận, chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia các dữ liệu công trình dầu khí của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) chỉ rõ, tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến lợi ích của quốc gia trong đó quy định: lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí để làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Về điều khoản này, đại biểu đề nghị cần phải nhấn mạnh và bổ sung nội dung về “làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và ô nhiễm môi trường”.

Theo Quochoi.vn, TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới