Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điểm nút Trung Quốc trong bài toán nhập siêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Điểm nút Trung Quốc trong bài toán nhập siêu

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) – Cho dù đã đạt được không ít thành công trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong hai thập kỷ vừa qua, không thể phủ nhận là chúng ta vẫn thất bại trong việc giải bài toán nhập siêu, vốn đã kéo dài một nửa thế kỷ. Trong đó, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc tăng bùng nổ trong suốt hai thập kỷ qua chính là điểm nút trong tổng thể bài toán này. Do vậy, tháo gỡ được điểm nút này, coi như sẽ tìm ra lời giải cho bài toán.

Từ xuất siêu chuyển sang nhập siêu

Dù xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường nước ta tăng đến 77,2%/năm sau khi quan hệ hai nước được bình thường hóa trong thập kỷ 1990, kim ngạch năm 2000 cũng chỉ mới đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, cùng thời điểm này, Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 1,536 tỉ đô la Mỹ, nên chúng ta xuất siêu 136 triệu đô la. Thế nhưng trong chín năm gần đây, với tốc độ tăng 24,7%/năm, kim ngạch thương mại song phương liên tục phá vỡ các mục tiêu đề ra là 10 tỉ, 15 tỉ, rồi 20 tỉ đô la Mỹ. Tháng 4-2010, giới lãnh đạo hai nước đã thống nhất nâng mục tiêu này lên mức 25 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các doanh nhân nước ta lại đuối sức trong cuộc đua “song mã đường trường”.

Trong thập kỷ trước, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc không chỉ tăng trưởng đến 69,6%/năm, mà Việt Nam còn xuất siêu bình quân mỗi năm 51 triệu đô la sang thị trường này.

Nhưng chín năm gần đây, do tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 13,8%/năm, chưa bằng một nửa tốc độ tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam, cho nên từ xuất siêu chúng ta đã chuyển sang nhập siêu, và nhập siêu ngày càng tăng, đến cuối năm 2009 là 11,5 tỉ đô la, bằng 89,7% tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam.

“Tiên trách kỷ”

Trước hết, cần phải nói rõ rằng trong tám năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, cho dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vẫn tăng mạnh, đến 20,75%/năm. Chỉ nhờ có sự tăng tốc ngoạn mục như vậy, Trung Quốc mới nhanh chóng qua mặt cả năm cường quốc Đức, Mỹ, Nhật, Anh và Pháp để trở thành cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới. Hàng hóa “Made in China”, trị giá đến 1.206 tỉ đô la, ồ ạt đổ ra thị trường thế giới.

Mặc dù vậy, không phải các thị trường trong khu vực đều bị “cơn lũ” hàng hóa Trung Quốc nhấn chìm. Nếu như Nhật Bản và Hàn Quốc, với trình độ phát triển cao hơn hẳn, đang xuất siêu lớn sang Trung Quốc là điều dễ hiểu, thì hai quốc gia đang phát triển trong khu vực cũng đã thành công đáng kể trong việc chinh phục thị trường Trung Quốc là Malaysia và Thái Lan.

Ngoài ra cũng nên nhắc đến trường hợp của Philippines. Xuất khẩu của nước này vẫn còn kém “một trời một vực” so với nước ta. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2009 của Philippines chỉ đạt 41,15 tỉ đô la, bằng 72,1% kim ngạch của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 5,44 tỉ đô la, và nhập khẩu cũng chỉ hơn 5 tỉ đô la từ thị trường này, nên vẫn là xuất siêu.

Xét trên bình diện rộng hơn, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, trong quá trình điều chỉnh chiến lược thị trường xuất, nhập khẩu của mình gần hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chú trọng đẩy mạnh nhập khẩu từ khu vực châu á. Trong vòng 19 năm qua, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường châu á chỉ tăng bình quân 13,4%/năm, còn nhập khẩu tăng vượt trội đến 16%/năm, cho dù năm 2009 vẫn xuất siêu trên 25 tỉ đô la Mỹ.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khác nhau trong buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực như vậy. Tuy có nhiều nghiên cứu “mổ xẻ” thực trạng này, nhưng tựu trung là do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc vẫn theo “lối mòn”, trong khi Việt Nam quá ỷ lại vào các ngành công nghiệp chế biến của Trung Quốc, cũng như quá “ưu ái” công nghệ giá rẻ “Made in China” nên dẫn đến nhập siêu.

Các số liệu thống kê cho thấy chỉ tính riêng ba mặt hàng nguyên liệu chủ yếu là dầu mỏ, than đá và cao su xuất sang Trung Quốc, thì năm 1996 mới chiếm 31% trong rổ hàng hóa xuất khẩu của nước ta, đến năm 2004 đạt mức kỷ lục 71,8%, và đến năm 2009 tuy đã giảm rất mạnh, nhưng vẫn còn chiếm 45,9%. Có thể nói, chính sự trồi sụt của ba mặt hàng chủ yếu này đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nói chung.

Trong khi đó, ngược lại, danh mục hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam không những dài ra rất nhanh, mà quy mô nhiều mặt hàng cũng tăng mạnh. Hiện danh mục này đã có 24 mặt hàng với quy mô từ 100 triệu đô la trở lên. Trong đó, điển hình nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác đạt hơn 4 tỉ đô la, tăng bình quân tới gần 43%/năm trong chín năm gần đây. Có thể nói, cho dù việc ồ ạt nhập khẩu công nghệ lò đứng trong ngành xi măng, thậm chí bê cả những nhà máy đường “thải” của Trung Quốc từ những năm cuối thập kỷ trước đã kết thúc, nhưng những “di chứng” mà chúng để lại chắc chắn sẽ còn kéo dài. Hơn thế, có lẽ cũng không ai có thể bảo đảm rằng, những công nghệ “rẻ“ nhập khẩu từ Trung Quốc có thể giúp nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trong những năm tới.

Nói tóm lại, trong khi Trung Quốc đã rất thành công trong việc tận dụng lợi thế “núi liền núi, sông liền sông” để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nước ta, thì ngược lại, bài toán đẩy mạnh xuất khẩu và cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc nói riêng và thị trường thế giới nói chung của chúng ta cho tới nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Phải chăng, chúng ta nên tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng “Made in China”, vốn không chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang làm, mà còn có cả các quốc gia đang phát triển như Malaysia và Thái Lan cũng đã gặt hái được những kết quả tích cực. Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt cần được các nhà hoạch định chiến lược nước ta quan tâm hơn nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới